Rò luân nhĩ dễ bị nhầm với nhọt ở tai

Trong bệnh này, một đường rò xuất hiện ở vùng tai. Từ một lỗ ở trước tai, nó chạy sâu vào phía trong và kết thúc ở chân sụn, hoặc phình ra tạo thành một nang. Khi viêm nhiễm, lỗ rò trông giống như mụn nhọt và dễ bị điều trị nhầm.

Rò luân nhĩ là bệnh bẩm sinh, xuất hiện nhiều ở các nước châu Á; 1/3 số bệnh nhân là trẻ em. Bình thường, khi chưa viêm nhiễm, miệng lỗ rò nhỏ như đầu kim, khô ráo, không có dịch mủ. Khi đường rò bị bội nhiễm, miệng lỗ sẽ viêm dính, xơ sẹo, bên trong có dịch hôi vàng, dùng tay ấn thấy có tổ chức bã đậu trào ra.

Cách điều trị rò luân nhĩ là phẫu thuật bỏ đường rò. Đây là một tiểu phẫu, dễ làm, ngoài tác dụng trị bệnh còn giúp tạo thẩm mỹ cho người bệnh. Các phương pháp khác đều không có hiệu quả và tạo những hậu quả không tốt cho quá trình điều trị sau này. Đặc biệt, không nên chữa bằng phương pháp trích rạch, hoặc dùng kháng sinh kéo dài bởi sẽ gây nhiễm trùng trường diễn, viêm nhiễm tái phát, vỡ mủ và để lại sẹo xấu.

Ở Việt Nam, bệnh rò luân nhĩ chưa được chú ý đúng mức. Khi lỗ rò nhiễm trùng, nhiều người tưởng là bị một cái nhọt trước tai nên chỉ dùng kháng sinh để tự điều trị. Hậu quả là đường rò bị viêm nhiễm, xơ sẹo nhiều lần, gây co dính, ảnh hưởng rất lớn tới thẩm mỹ và gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý tới những lỗ rò và nhọt ở vùng trước tai của trẻ. Nếu phát hiện ra, nên đưa trẻ đến khám sớm, phẫu thuật kịp thời; tránh để đường rò bị viêm nhiễm nhiều lần.

ThS Phạm Bích Thủy, Sức Khỏe & Đời Sống

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008