Viêm mũi dị ứng

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh dị ứng đã tăng gấp đôi trong hơn 20 năm qua, đứng đầu là viêm mũi dị ứng (VMDƯ) và hen phế quản. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bệnh VMDƯ chiếm tỷ lệ từ 15 đến 20% trong những người đến khám tại phòng khám.


Chẩn đoán

Tiền sử về dị ứng của bản thân và gia đình như nổi mề đay, hen phế quản, nhức nửa đầu, phù Quink là những yếu tố cần tìm hiểu để chẩn đoán bệnh. Các tài liệu thống kê cho thấy nếu cha hoặc mẹ bị dị ứng thì xác suất 30% số con của họ bị dị ứng và nếu cả cha và mẹ đều bị thì xác suất là 65-75% (chiếm 3/4).

Triệu chứng: Ngứa mũi, họng và mắt, hắt hơi thường xảy ra vào buổi sáng, giảm nhiều vào buổi trưa và buổi tối, chảy nước mũi trong, sau đó thì có màu vàng hoặc trắng đục do bị bội nhiễm, nghẹt mũi thường xảy ra sau một tràng hắt hơi và kèm theo một số triệu chứng phụ như nhức đầu, ho, đau họng và có thể sốt nhẹ.

Phân loại

Theo Tổ chức Y tế thế giới thì VMDƯ được chia làm ba loại:
1. Viêm mũi quanh năm: Triệu chứng xuất hiện quanh năm do các yếu tố sau:

+ Môi trường: Thường là do hít phải các kháng nguyên như những con mạt (mites) trong bụi nhà, trong chăn gối, nệm ghế..., lông thú, lông chim; môi trường sống đô thị - nơi luôn có nhiều vật liệu mới như sơn, véc-ni các loại và từ đây phóng thích những phần tử kháng nguyên "lạ". Sang chấn tinh thần (stress) của cuộc sống quá bận bịu và lo toan cũng là yếu tố thuận lợi gây VMDƯ. Ngoài ra có thể do các nguyên nhân không đặc hiệu khác như:

+ Thuốc: Aspirine, Sulfamide, Streptomycine, Penicilline và một số loại huyết thanh chống bạch cầu, chống uốn ván... là những thứ rất dễ gây dị ứng.

+ Thức ăn: Một số hải sản hoặc thức ăn chế biến từ các vật nuôi...

2. Viêm mũi theo mùa: Triệu chứng xuất hiện theo mùa nhất định trong năm như mùa hoa nở dễ hít phải các loại phấn hoa hoặc các bào tử nấm bay trong không khí.

3. Viêm mũi do nghề nghiệp: Người làm trong các ngành có liên quan đến chế biến, xay xát lúa gạo, hay tiếp xúc với bông vải, với những hạt bụi sợi, khói, bụi gây ô nhiễm tại công trường, nhà máy, thường tiếp xúc với phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ hoặc làm trong các phòng thí nghiệm nơi có nhiều loại dung môi, hóa chất có thể gây dị ứng.

Điều trị

Một điều cần nói rõ là VMDƯ đơn thuần không cần mổ mà chỉ cần dùng thuốc, chỉ mổ trong trường hợp có bội nhiễm làm bít tắc các lỗ thông của các xoang ra mũi và gây viêm xoang mãn tính hoặc dị ứng mũi do những bất thường từ cấu trúc cơ thể học của mũi mà thôi.

Tránh các chất gây dị ứng do hít bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang khi đi đường cũng như tại nơi làm việc phải có bảo hộ để tránh bụi, khói, hơi thuốc...

Giải mẫn cảm: Nếu tìm đúng chất gây dị ứng để điều trị thì tỷ lệ thành công sẽ cao (85%), tuy nhiên không dễ tìm vì kháng nguyên là vô số kể.

Thuốc có thành phần corticoid dùng dưới dạng uống có tác dụng làm giảm viêm tại mũi, da, mắt, giúp giảm xung huyết và tiết dịch của niêm mạc mũi, làm giảm ngứa mũi, mắt...

Thuốc xịt mũi có corticoid có tác động chống viêm tại chỗ, làm giảm sự xuất tiết và sưng từ niêm mạc mũi xoang, duy trì tình trạng viêm tối thiểu trong viêm mũi quanh năm.

Thuốc kháng Histamine có tác dụng làm giảm hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi.

Thuốc chống nghẹt mũi chủ yếu tác dụng làm co mạch và tổ chức mô góp phần làm giảm xung huyết ở lớp lót của mũi, làm giảm hiện tượng mắt đỏ, chảy nước mũi và nước mắt.

Thuốc chống nghẹt kết hợp kháng histamine sẽ góp phần giải quyết được nhiều triệu chứng cũng như bệnh sốt rơm (hay fever) và một số bệnh dị ứng khác.

Thuốc kháng sinh: chỉ dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm như nhức đầu, sốt, nước mũi đục...

Việc sử dụng thuốc phải cần đến sự đồng ý và giám sát của bác sĩ chuyên khoa vì có loại thuốc chống dị ứng có tác dụng phụ gây buồn ngủ nên rất nguy hiểm cho những người làm việc cần tập trung như đang lái xe, làm trong các dây chuyền nhà máy...

BS Nguyễn Trọng Minh
(Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM)

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008