Bệnh học dịch kính

I . GIẢI PHẪU DỊCH KÍNH

1.1. Giải phẫu đại thể:
Dịch kính là chất dạng gel trong suốt lấp đầy buồng nhãn cầu ở phía sau thể thuỷ tinh. Khối dịch kính chiếm chừng 2/3 thể tích nhãn cầu. Giới hạn sau của dịch kính lượn vòng theo hình cầu, ở phía trước lõm do sự đè ép của mặt sau thể thuỷ tinh. Dịch kính dính tương đối vững chắc vào tổ chức xung quanh ở hai vùng: Phía trước dính vào biểu mô thể mi thành hình vành khăn rộng chừng 2-3 mm kể từ oraserata ra phía trước tới pars plana của thể mi, có thể có thêm sự liên hệ lỏng lẻo với các tua mi và các sợi vòng mi.

Salzman (1912) gọi đây là vùng nền dịch kính (vitreous base). Ơ phía sau dịch kính dính vào vòng quanh đĩa thị thành một vòng tròn theo bờ đĩa thị và kém chắc chắn hơn so với ở vitreous base. Trên bề mặt đĩa thị trung tâm của thị thần kinh thì không dính. Vì lý do này mà trên lâm sàng có thể thấy một vòng tròn đông đặc trong những ca bong sau của dịch kính khi đó xuất hiện một lỗ ở ngay phía trước của đĩa thị.

Nếu xảy ra sự co kéo bệnh lý hoặc sau khi chết thì hai vòng dính của dịch kính kể trên vẫn dính. Nếu dịch kính bị kéo đứt ra thì biểu mô thể mi có thể bị rách và chỗ dính của dịch kính bị mất ở điểm đó. Trong khi thường thì không thể tách rời dịch kính ra khỏi võng mạc ở vùng quanh đĩa thị mà không làm rách bề mặt của màng bọc .

Đường dính nối dịch kính vào mặt sau của thể thuỷ tinh là một vòng nhẫn có đường kính 8-9 mm (the hyaloideo-capsular ligament of Wieger-1883). Ơ chỗ hố bánh chè, dịch kính bị tách rời khỏi thể thuỷ tinh bởi khoảng mao mạch của Berger (capillary space of Berger-1882). Khi có bệnh lý thì khoang này thường chứa máu và các tế bào viêm.

Đường vòng tròn dính giữa mặt sau thể thuỷ tinh và dịch kính (có khi gọi là đường Egger’s line-1924) thường rất khó thấy và thực vậy, sự hiện diện của dây chằng bao thể thuỷ tinh - màng bọc dịch kính đã từng bị phủ nhận (Busacca-1956). Tuy nhiên vùng dính có thể được minh chứng trong một tiêu bản dịch kính – thể thuỷ tinh: Khối dịch kính cô lập vẫn được treo vào thể thuỷ tinh bằng chính dây chằng Wieger.

Trong trường hợp này nó đã dính vào thể thuỷ tinh một khoảng thời gian và chỉ tách nhau ra khởi đầu từ hố bánh chè rất chậm và từng tí một (Vail-1957).

Trong những trường hợp bệnh lý, chỗ dính có thể được minh chứng trên lâm sàng khi mà máu ở sau thể thuỷ tinh được thấy dưới dạng một vòng tròn đồng tâm với xích đạo của thể thuỷ tinh. Trên một số loài động vật thì chỗ dính này rất chắc (ví dụ ở thỏ ) đến nỗi nếu lấy thể thuỷ tinh trong bao thì thường là bị thoát dịch kính rất nhiều.

Grignolo (1952) cho rằng dịch kính còn dính ở một vài chỗ khác ở bề mặt võng mạc và đặc biệt là ở vùng xích đạo và ở vùng hoàng điểm. Schepens (1954) cũng ủng hộ ý kiến này. Những chỗ dính đó chắc chắn liên quan tới hiện tượng co kéo rách võng mạc khi có bong dịch kính sau.

1.2. Giải phẫu vi thể:
Các nhà giải phẫu học coi dịch kính có 3 phần :
- Hai màng bọc trước và sau.
- Ống Cloquet.
- Khối dịch kính.

* Màng dịch kính trước: nằm ngay sau thể thuỷ tinh và các dây chằng .

* Màng dịch kính sau: ôm lấy phần sau của dịch kính, áp sát vào võng mạc. Thực chất, màng dịch kính là sự đông đặc của dịch kính ở lớp ngoài cùng. Ranh giới giữa 2 phần trước và sau của màng bọc dịch kính là phần đáy của dịch kính (vitreous base), ở đó dịch kính áp trực tiếp vào biểu mô của vùng phẳng thể mi.

* Ống Cloquet (Jules Cloquet 1790-1833): Bắt đầu từ sau thể thuỷ tinh cho tới mặt trước gai thị, là di tích của động mạch dịch kính khi ở bào thai. Đôi khi ống này còn được mang tên Stilling (1868) vì nhà giải phẫu này mô tả nó đầy đủ hơn. Trên lâm sàng soi thấy ống này trong suốt uốn lượn mềm mại trong khối dịch kính khi mắt chuyển động.

* Khối dịch kính: Có cấu trúc dạng gel, chủ yếu do một protein dạng sợi, đó là những sợi collagen rất mịn xếp theo nhiều hướng khác nhau nhưng không chắp nối với nhau và lấp đầy khoảng cách giữa các sợi đó là nước (99%), 1% là các chất đặc gồm các phân tử acid hyaluronic. Cấu trúc của các khoang sợi này có khuynh hướng trở nên rõ rệt theo tuổi. Chất collagen có lẽ được tạo ra bởi những tế bào ở nơi ranh giới giữa dịch kính và võng mạc .

II.. KHÁM DỊCH KÍNH.
2.1. Đèn khe:
Dịch kính bình thường không thể quan sát được bằng các máy soi đáy mắt thông thường. Một số những thay đổi bất thường trong cấu trúc của dịch kính có thể thấy được bằng cách dùng máy soi đáy mắt như đục dịch kính, những đám đông đặc hoặc những dải hình vòng tròn của bong dịch kính ở phía sau hoặc những dị vật ngoaị lai. Ví dụ như máu, tế bào bạch cầu, các tổ chức tân tạo như xơ và tân mạch … .

Dịch kính bình thường ở trong nhãn cầu và một số những bất thường quan trọng của nó (co rút, đông đặc) có thể quan sát thấy chỉ bằng đèn khe. Đèn khe của sinh hiển vi có thể chiếu xuyên các tổ chức trong suốt hoặc tương đối trong suốt của nhãn cầu.

2.2. Kính tiếp xúc bổ sung trong khám dịch kính.
Dịch kính ở phần trung tâm phía trước (ngay sau thể thuỷ tinh) có thể quan sát được với đèn khe. Để quan sát những phần khác của buồng dịch kính thì cần có kính tiếp xúc đặc biệt.

2.3. Siêu âm.
Đây là một phương tiện chẩn đoán và tiên lượng của rất nhiều bệnh dịch kính. Ơ những vị trí và trường hợp mà ánh sáng của đèn khe và máy soi đáy mắt không thể kiểm soát được thì siêu âm sẽ cung cấp cho ta những thông tin rất có giá trị về dịch kính và các cấu trúc lân cận dịch kính, ví dụ những màng dịch kính, bong võng mạc cao trên 1mm, nứt vỡ củng mạc, dị vật nội nhãn ...

III. CÁC RỐI LOẠN BỆNH LÝ CỦA DỊCH KÍNH
3.1. Chớp sáng
:
Là dấu hiệu bất thường của mối quan hệ võng mạc - dịch kính. Bệnh nhân cảm giác rất rõ những chấm sáng, vạch sáng hoặc chớp sáng ... và có thể định khu chúng ở những góc phần tư nhất định trong thị trường. Tia sáng ít khi tồn tại kéo dài hơn một phần của giây.

Nó thường xuất hiện sau vài phút rồi lại mất đi sau vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần. Triệu chứng này được thấy rõ khi vận nhãn, khi thiếu ánh sáng hoặc khi tối hẳn. Dấu hiệu này có thể xảy ra đồng thời ở cả hai mắt nhưng đại đa số là xuất hiện riêng rẽ cách nhau vài ngày đến vài năm.

Chớp sáng là biểu hiện củạ sự nhận biết ở não bộ một kích thích ở võng mạc cảm thụ do sự bất thuờng của dịch kính. Nó hay kết hợp giữa một hiện tượng xẹp và bong của dịch kính trong quá trình đông đặc với sự co kéo của dịch kính lên võng mạc

Cần chẩn đoán phân biệt chớp sáng với những ám điểm nhấp nháy, migrain - loại này có đặc điểm là đối xứng hai bên, rung động ở cả hai mắt, hình thể đoán truớc được và tăng tiến kèm theo nôn và đau đầu.

3.2. Đục dịch kính (floates).
Những mảng đục, chấm đục trôi nổi trong dịch kính sẽ tạo nên những điểm khuyết tương ứng trên thị trường của người bệnh. Sự xuất hiện của triệu chứng có thể từ từ hoặc cấp tính ở một hoặc hai mắt. Bệnh nhân thưòng kể về một hay nhiều chấm đen di động trước mắt, hình thể không nhất định có thể là một chấm, một mảnh, mẩu hoặc hình vòng đen ... những chấm đen tiếp tục chuyển động ngay cả khi mà nhãn cầu đã dừng lại, vì thế mà chúng có tên là floaters.

Đục dịch kính đa số do chảy máu mức độ ít trong dịch kính từ những vết rách võng mạc hoặc ở những bệnh gây chảy máu võng mạc như đái tháo đường, cao huyết áp, bạch cầu cấp, bạch cầu mãn, tắc nhánh nhỏ võng mạc, bệnh Eales, bệnh Coats, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bán cấp (osler)… Máu chảy mới thường được nhìn thấy như những vạch đen hoặc hình mạng nhện và muộn hơn thì tản ra thành những chấm tròn nhỏ .

Những tế bào bạch cầu thâm nhập vào dịch kính trong viêm vùng pas plana có thể là yếu tố gây nên những chấm nhỏ li ti ở trước mắt.

Đục dịch kính do sắc tố thường là hậu quả của những rách đứt võng mạc dẫn tới bong võng mạc nhưng chưa bong tới vùng hoàng điểm.

Không nên coi những dấu hiệu đục dịch kính của bệnh nhân kể là sự tưởng tượng hoặc kết luận ngay là vô hại. Khám cẩn thận dịch kính và võng mạc là điều cần thiết để xác dịnh nguồn gốc, định loại chất gây đục dịch kính để có cách xử trí thích hợp. Khi đã khám rất kỹ mà chưa thấy rõ căn nguyên thì bệnh nhân mới có thể yên lòng rằng bệnh không đáng lo ngại.

3.3. Nhuyễn thể lấp lánh (Asteroid hyalosis):
Là trạng thái bệnh lý ít gặp, nó xảy ra trên những mắt khỏe mạnh của người già và ở một mắt nhiều gấp 3 lần hơn là xảy ra ở cả hai mắt. Hàng trăm chấm tròn nhỏ màu vàng cấu tạo bởi xà phòng canxi (canxium soaps) ở trong dịch kính .

Chúng chuyển động khi mắt chuyển động nhưng thường trở lại vị trí ban đầu bởi vì chúng dính vào những sợi dịch kính. Những chấm này không liên hệ gì với bệnh toàn thân cũng như các bệnh mắt khác. Chúng không ảnh hưỏng gì hoặc rất ít ảnh hưởng tới thị lực nhưng lại phản xạ ánh sáng đèn khám rất rõ. Nếu những chấm sao quá nhiều thì đáy mắt soi không rõ

3.4. Xẹp dịch kính cấp tínhvà rách võng mạc:
Dịch kính được bao bọc bởi võng mạc, đĩa thị, pas plana và thể thuỷ tinh. Bình thường, dịch kính lấp đầy khoang này và dính vào pas plana cạnh oraserrata, vào thể thuỷ tinh, quanh đĩa thị và một số điểm vào võng mạc.

Tất cả các dạng gel - kể cả dịch kính đều có sự thoái hoá theo thời gian kiểu hoá lỏng (syneriesis) hoặc đông đặc liên quan tới sự hấp dẫn của các phần tử ở trung tâm đã phân li, sự phân li của trung tâm và sự co rút của gel. Syneriesis thấy ở 65% những người lớn hơn 60 tuổi. Mắt cận thị thì càng thấy rõ hiện tượng này, ngay ở cả tuổi trẻ.

Theo tuổi tác, vùng trung tâm của dịch kính có thể trở nên syneriesis và đuợc lấp đầy bởi dịch thoái biến của gel. Chất dịch này có thể lan tới khoang trước của võng mạc. Phần gel còn lại của dịch kính xẹp xuống và ra trước gây nên một bong dịch kính sau. Chính động lực của quá trình xẹp này có thể làm đứt những chỗ nối dính của dịch kính với gai thị, với mạch máu và võng mạc cảm thụ vốn có ở lúc trẻ tuổi. Bản thân bệnh nhân và người khám có thể chỉ thấy những phần của chỗ dính sau còn dính lại vói đám dịch kính xẹp như một đám đục.

Nêú đám đục này bong ra từ gai thị thì bệnh nhân và người khấm sẽ thấy một vòng đục hình tròn ở phía sau của dịch kính. Vì bong dịch kính sau dẫn tới kích thích những chỗ dính dịch kính vào võng mạc gây triệu chứng loá mắt (photopsia) và sự rách của võng mạc dẫn tới chảy máu.

Xẹp dịch kính cấp có thể đưa tới rách hoặc bong võng mạc do đó nếu bệnh nhân có 3 triệu chứng: loá mắt, đám đục dịch kính xuất hiện, chảy máu dịch kính thì cần soi kỹ võng mạc để tìm chỗ rách nếu chảy máu mức độ ít.

Nếu bệnh nhân bị xẹp dịch kính dẫn tới rách võng mạc và chảy máu dịch kính nhiều thì thêm các dấu hiệu của xuất huyết dịch kính. Nhiều trường hợp rách võng mạc dẫn tới bong, đặc biệt rách võng mạc có chảy máu có thể đưa tới bong võng mạc sau nhiều ngày đến nhiều năm sau. Vị trí rách võng mạc hay gặp ở phía trước xích đạo và thường thấy nhất ở góc phần tư trên ngoài.

Thoái hoá dịch kính - võng mạc được Favre mô tả (1961) có tính chất gia đình: dịch kính có những sợi to lớn xoắn xít vào nhau, dịch kính hoá lỏng, bong dịch kính sau, thoái hoá võng mạc chu biên dạng u nang.

3.5. Tăng sinh dịch kính - võng mạc (proliferative vitreoretinopathy).
Đó là một số trạng thái bất thưòng của dịch kính võng mạc được biểu hiện với đặc điểm: có những màng co rút được phát sinh từ tế bào đệm của võng mạc và những tế bào biểu mô sắc tố võng mạc khu trú bất thường.

Lớp màng này có thể ở mặt ngoài hoặc ở mặt trong của võng mạc hoặc ở bề mặt dịch kính. Những màng này có thể mỏng mảnh hoặc dày, dễ quan sát thấy và chúng có khả năng gây xoắn vặn tổ chức võng mạc.

Những tế bào biểu mô sắc tố võng mạc ... và những tế bào thần kinh đệm của võng mạc là loại tế bào đa năng với khả năng dị sản cao (metaplastic). Chúng có thể tăng sinh lan rộng và hình thành các đặc tính của các nguyên bào sợi – cơ (myofibroblas). Những myofibroblas này cũng giống như những tế bào dễ dàng tạo ra những màng co rút.

Những màng này có thể được tạo thành ở hoặc mặt ngoài hoặc mặt trong của võng mạc và ở phía sau của màng bọc dịch kính. Quá trình diễn biến bệnh lý tăng sinh dịch kính - võng mạc đưa tới kết cục là sự co kéo từng đám dịch kính, co kéo trước võng mạc, màng dịch kính trước võng mạc, xơ hoá võng mạc, nhăn nhúm hoàng điểm, bệnh võng mạc nhăn nhúm bề mặt (surface wrinkling retinoprathy).

Tăng sinh dịch kính – võng mạc không cần điều trị trừ khi nó gây ra những răn rúm bề mặt võng mạc và hoàng điểm hoặc gây biến chứng bong võng mạc. Trong khi các thuốc chống tăng sinh đang được nghiên cứu thì việc điều trị hiện tại bao gồm các phương pháp phẫu thuật đặc biệt trong đó có dùng cách kéo căng, cắt rời màng co rút và cắt dịch kính.

3.6. Xuất huyết dịch kính.

Căn nguyên: Hay gặp nhất trong viêm võng mạc tăng sinh, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, tắc nhánh tĩnh mạch, tăng nhãn áp, xẹp dịch kính cấp tính kết hợp với bong dịch kính sau.

Có thể còn gặp xuất huyết dịch kính trong những trường hợp:
- Sang chấn: chấn thương đụng dập, vết thương xuyên nhãn cầu, phẫu thuật.
- Co kéo dịch kính trên mạch máu võng mạc (tân mạch ...)
- Tăng áp lực mạch máu võng mạc: phồng mạch,u máu võng mạc, cao huyết áp .
- Do sự phá huỷ của thành mạch: u hắc mạc, viêm thành mạch võng mạc, bệnh võng mạc do đái tháo đường ...
- Bệnh lý võng mạc: rách võng mạc do các nguyên nhân.
- Các bệnh máu (ung thư máu, rối loạn đông máu- cầm máu ….)

Các hình thái xuất huyết:
* Xuất huyết khu trú ở khoảng trước, sau dịch kính: Tạo thành túi lồi vào dịch kính hình bán nguyệt hoặc hình phẳng, hình vòng tròn ở sau thể thuỷ tinh. Loại xuất huyết này có đặc điểm là không gây tổ chức hoá dịch kính, có thể tự tiêu tương đối nhanh.

* Xuất huyết ở trong buồng dịch kính: Có đặc điểm là khi mới xuất hiện máu đỏ hồng và có xu hướng khu trú lại ở phía sau phần dịch kính gel hoặc trong ổ thoái hoá syneriesis. Sau vài tuần đến vài tháng thì máu trở nên xám nhạt và di cư vào vùng dịch kính gel gây tổ chức hoá dịch kính tự tiêu rất chậm.

Máu ở dịch kính được các hyalocytes thực bào, hemoglobin thoái hoá thành bilirubin và sắt. Bilirubin làm biến màu dịch kính, sắt ở trong dịch kính gây phân huỷ acid hyaluronic làm mất chỗ dựa cho các khoang sợi collagen. Sắt còn gây hiện tượng siderose võng mạc dẫn đến thoái hoá tế bào thị giác, suy giảm điện võng mạc.

Quá trình tiêu máu ở dịch kính rất chậm, ở người trẻ chậm hơn ngưòi già vì máu được bao bọc bởi tổ chức gel, ở người già dịch kính loãng hơn vì vậy máu dễ tiêu hơn.

Lâm sàng: Các triệu chứng liên quan tới đậm độ, thời gian chảy máu.
- Thị lực giảm đột ngột có khi gần như mất hẳn nếu xuất huyết mức độ nặng đồng thời xuất hiện những chấm đen như mưa bồ hóng trước mắt kèm theo chớp sáng. Trong khi đó mắt không hề đỏ hoặc đau.
- Khám phản xạ đồng tử với ánh sáng vẫn còn.
- Soi bóng đồng tử: Anh đồng tử xám hoặc mất.
- Soi đáy mắt - dịch kính: Máu đỏ tươi khu trú hoặc lan rộng trong buồng dịch kính. Nếu xuất huyết cũ thì máu xẫm màu và có thể xuất hiện xơ hoá dịch kính. Soi đáy mắt bên mắt lành nhiều khi có được những dữ liệu tốt cho việc tìm căn nguyên xuất huyết.

- Siêu âm là xét nghiệm tốt để chẩn đoán mức độ chảy máu, góp phần tìm nguyên nhân bệnh.

Tiến triển: Máu dịch kính nếu không được điều trị tốt hoặc xuất huyết tái diễn sẽ dẫn tới xơ hoá dịch kính, co kéo võng mạc dẫn đến bong võng mạc, viêm võng mạc - dịch kính phồn thịnh, thoái hoá võng mạc do hiện tượng siderose.

Điều trị: Cho bệnh nhân nghỉ ngơi bất động tương đối, nằm tư thế đầu cao trong tuần đầu, băng hai mắt 3 - 4 ngày, những ngày sau đó đeo kính lỗ.

Cần uống nhiều nước để tăng tiêu máu. Kết hợp dùng thuốc đông máu, cầm máu như vitamin K 10-20mg/ngày tiêm tĩnh mạch chậm hoặc 50mg /ngày đường uống.

Có thể phối hợp các phương pháp vật lý như siêu âm làm tan cục máu trong dịch kính, lạnh đông củng mạc vùng tương ứng với nơi xuất huyết, quang đông laser khi đã soi được đáy mắt (đốt mạch vỡ ).

Phương pháp hiện đại nhưng đòi hỏi trang bị đắt tiền là phẫu thuật cắt dịch kính kết hợp xử trí các vết rách võng mạc nếu có. Không chỉ định cắt dịch kính trong vòng 3-6 tháng sau chảy máu nếu mà các căn nguyên gây chảy máu không phải loại cần phẫu thuật và khi mà máu dịch kính tự tiêu.

3.7. Bong võng mạc (Retinal detachment) :

Là tình trạng mà lớp thần kinh cảm thụ của võng mạc bị tách ra khỏi lớp võng mạc sắc tố, do sự tích luỹ dịch ở dưới khoang võng mạc.

Phân loại theo M. Bonet (1989), A. Urrets, Jr. Zavalia (1968):
* Bong võng mạc nguyên phát: Do một hay nhiều vết rách hoặc lỗ của biểu mô thần kinh (còn gọi là bong võng mạc nội sinh ).
* Bong võng mạc thứ phát: Sự tích luỹ dịch ở dưới võng mạc không phải do những vết rách của biểu mô thần kinh mà do một quá trình bệnh lý của võng mạc, dịch kính hay màng bồ đào.

Có hai nhóm căn nguyên gây bong võng mạc thứ phát:
- Do co kéo: Dây chằng, tổ chức tân tạo của dịch kính dính với mặt trong của biểu mô thần kinh võng mạc.
- Do xuất tiết: Những rối loạn ở hàng rào máu - võng mạc hay hắc mạc.

Cho đến nay cơ chế bong võng mạc nguyên phát được hiểu còn là rất phức tạp, đó là hậu quả của những tổn thương thoái hoá dịch kính - võng mạc và hắc mạc. Tuy nhiên người ta nhận thấy cần phải có hai điều kiện chính: Một là sự thoái hoá dẫn đến bong dịch kính sau làm mất tiếp xúc dịch kính - võng mạc. Hai là vết rách hay lỗ võng mạc.

Còn bong võng mạc thứ phát do co kéo có đặc diểm là do sự co kéo tuần tiến của tổ chức tân tạo dính vào mặt trong võng mạc. Đa số co kéo dịch kính có kết hợp với bong dịch kính sau không hoàn toàn, quá trình tiến triển chậm. Mặt của vùng võng mạc bong ít lồi, định khu của dịch bong không thay đổi bởi tư thế hay khi mắt vận động.

Bong võng mạc nếu không điều trị hoặc điều trị muộn sẽ xuất hiện hiện tượng tăng sinh dịch kính - võng mạc ở cả hai mặt của võng mạc bong làm cho võng mạc bong cứng lại tạo ra sự co kéo thứ phát của dịch kính.

Điều trị: Việc điều trị bong võng mạc có kết quả từ khi J. Gonin (1930) đề ra phương pháp phẫu thuật với các nguyên tắc:
- Bịt những vết rách, lỗ rách ở võng mạc.
- Làm cho võng mạc áp trở lại bằng cách tháo dịch bong kết hợp với độn, đai.

Tuy nhiên việc điều trị những bong võng mạc do co kéo vẫn thất bại. Từ 1969-1970 đến nay do có máy cắt dịch kính, kết quả điều trị tốt lên nhiều. Theo M. Bonets (1989), bong võng mạc nguyên phát tỷ lệ điều trị thành công là 90%, bong võng mạc thứ phát: 80%. Các biện pháp gây dính võng mạc thường dùng là điện đông ngoài củng mạc, điện đông trong nội nhãn, lạnh đông và laser tuy nhiên lạnh đông dễ gây di cư tế bào, gây tăng sinh dịch kính - võng mạc.

Các biện pháp áp võng mạc trở lại bao gồm:
- Từ phía củng mạc: Ân độn, đóng đai quanh nhãn cầu, tháo dịch bong.
- Từ phía dịch kính: Bơm vào dịch kính không khí, các dịch thay thế (nước muối sinh lý, Healon, dầu Silicon), khí nở SF6 - Sulfurhexa fluoride (G.L. Sulivan – 1973), Perfluorocarbon lỏng (Stanley Chang- 1987). Cắt dịch kính, cắt màng dịch kính võng mạc.

3.8. Nang sán dịch kính
Đó là ấu trùng sán lợn. Từ trứng sán nở thành ấu trùng, qua thành dạ dày vào máu đến tổ chức.
Rất hay gặp nang sán ở dịch kính. Đó là nang hình trái xoan màu trắng nhạt có cử động (nhu động ). Có thể thấy đầu ấu trùng thò ra thụt vào. Nang có thể dính vào võng mạc hoặc lửng lơ trong dịch kính. Độc tố của sán gây viêm võng mạc, đục dịch kính, về sau có thể bong võng mạc. Cần phẫu thuật lấy nang sán như là lấy dị vật.

3.9. Chấn thương dịch kính:

Đụng dập: Vì dịch kính là tổ chức không chun giãn so với tổ chức xung quanh cho nên những đụng dập bất ngờ cũng sẽ là tác nhân gây chấn thương cho những chỗ dính của dịch kính.
Bong ở vùng nền của dịch kính là chuyện không hiếm thấy khi đụng dập nhãn cầu, tổn thương này thường phối hợp với rách của vùng phẳng thể mi, của võng mạc, chảy máu dịch kính hoặc bong võng mạc có thể xuất hiện ở 20 năm sau chấn thương.

It gặp hơn: Chớp sáng, đục dịch kính hoặc chảy máu dịch kính hoặc bong võng mạc có thể là hậu quả của một streess ở vùng nền dịch kính. Những chỗ tổn thương (affeted sites) có thể là dính dịch kính võng mạc bất thường dưới mức lâm sàng ở phía trước (thoái hoá dạng lưới ) hoặc những vùng bệnh lý võng mạc dịch kính rõ rệt giống như là bệnh võng mạc do đái táo đưòng.

Nứt vỡ nhãn cầu do đụng dập: Là một tổn thương nặng nề, có thể gây mù loà sớm hay muộn thậm chí mất nhãn cầu.

Phòi dịch kính qua chỗ nứt vỡ củng mạc là biến chứng thường có khi vỡ nhãn cầu và đồng thời rách hoặc bong võng mạc cấp tính. Những rách vỡ củng mạc phòi dịch kính kín đáo ban đầu khó thấy nhưng về sau xuất hiện bong võng mạc kèm theo rách hoặc không rách do tổ chức xơ sợi xuất phát từ phía hốc mắt và tiếp theo đó là sự co kéo. Muộn hơn có thể quan sát thấy những màng, dải ở trong dịch kính. Các dạng khác nhau của phẫu thuật dịch kính có thể dùng trong trường hợp này để dự phòng hay điều trị loại biến chứng này.

Vết thương xuyên nhãn cầu: Phòi dịch kính có thể xảy ra ở lỗ vào hoăc lỗ ra của vết thương hoặc cả hai. Vùng mà dị vật đi qua thường đông đặc, co kéo với các phần tử sợi. Phẫu thuật dịch kính cần được sử dụng để dự phòng hoặc điều trị các biến chứng ví dụ như bong võng mạc có kèm theo rách hoặc không rách võng mạc.

Mất dịch kính do phẫu thuật: Là một biến chứng do thầy thuốc (hội chứng Irvine) với các triệu chứng:

- Mắt kích thích sợ ánh sáng.
- Thị lực giảm nhiều.
- Tổn hại ở hoàng điểm.
- Biến đổi ở phần trước dịch kính: Đậm đặc, dính vết mổ (sau mổ thể thuỷ tinh có rách màng hyaloid).

Dịch kính bị phòi qua mép mổ, tổ chức sợi xâm lấm vào và co kéo là hậu quả hay thấy và thường thì sự co kéo này ảnh hưỏng tới võng mạc. Phù võng mạc và biến dạng mống mắt, đồng tử treo là những dấu hiệu hay gặp. Dịch kính bị phòi cấp tính cần được cắt bỏ sau đó bơm hơi hoặc bơm dịch bù vào tiền phòng để tránh hậu quả của dính dịch kính vào mép mổ. Những phòi dịch kính cũ có thể phải phẫu thuật để giải phóng sự co kéo của dịch kính .

3.10. Viêm dịch kính:

Viêm dịch kính bao gồm một loạt các rối loạn từ rải rác một vài các tế bào màu trắng (bạch cầu) cho tới abcess. Phổ biến nhất là một hay nhiều ổ viêm ở hắc mạc hay võng mạc (chorioretinitis or retinitis) và là nguồn gốc sinh ra các tế bào viêm xâm lấm vào dịch kính gây ra những đám đục nhẹ.

Nếu xâm nhiễm lớn thị lực sẽ bị ảnh hưởng, đám đục dịch kính sẽ quan sát rõ khi mà trạng thái bệnh lý này khu trú ở nửa trước. Bệnh nhân không đau và con mắt nhìn ở phía ngoài vẫn như bình thừơng. Tiên lượng và điều trị tuỳ vào trạng thái underlying.

Dịch kính thường tự làm sạch khi mà những tổn thương ban đầu không phát triển. Phẫu thuật dịch kính được chỉ định để loại bỏ những đám đục lớn và không tự tiêu đi được.

Khác với viêm toàn nhãn (panophthalmitis) có thể xảy ra sau một vết thương xuyên nhãn cầu. Abcess dịch kính (endophthalmitis) dễ hình thành khi có vi khuẩn xâm nhập bởi vì bản thân dịch kính là một môi trường nuôi cấy rất tuyệt vời. Để chẩn đoán abcess dịch kính, ta hút dịch kính chừng 0,5-1ml đem nuôi cấy.

Nếu cấy khuẩn dương tính cần làm kháng sinh đồ và điều trị mạnh. Tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch và trực tiếp vào dịch kính với liều lượng tuỳ theo điều kiện ở từng bệnh nhân cụ thể.

Bảng: Liều lượng kháng sinh tiêm tại chỗ trong điều trị viêm nội nhãn

Thuốc
Liều tiêm dưới kết mạc
Liều tiêm dịch kính
Amphotericin B

0,005-0,01mg
Cefazolin
100mg
2mg
Clindamycin
30mg
0,25mg
Gentamicin
20mg
0,1-0,2mg
Miconazole
5mg
0,025mg
Tobramycin
20mg
0,5mg

IV. PHẪU THUẬT DỊCH KÍNH.

4.1. Lịch sử:
Sự ra đời của phẫu thuật cắt dịch kính là kết quả của những nghiên cứu tìm tòi lâu dài của các nhà nhãn khoa.

* Cắt màng đục dịch kính:
Von Greafe (1883) đã nghiên cứu cắt những màng đục dịch kính. Von Hippel (1915) cắt màng dịch kính đục sau vết thương xuyên nhãn cầu. Michaelsson (1960) dùng kim rạch cắt màng dịch kính dưới áng sáng đèn khe. Dodo (1964) dùng dao Sato chọc qua pars plana và kéo Wecker đi qua rìa phối hợp cắt màng đục dịch kính.

* Lấy tổ chức đục trong dịch kính:
Ford (1990) dùng kim hút dịch kính đục. Zur Nedden (1920) dẫn lưu dịch kính đục bằng một ống. G.P. Landegger (1950) phối hợp lấy thể thuỷ tinh và dịch kính đục.

* Giải quyết co kéo ở dịch kính kết hợp điều trị bong võng mạc:
Deutschman (1895) dùng dao và kéo qua võng mạc cắt màng và dây chằng co kéo dịch kính võng mạc. Schwickerath (1963) phối hợp cắt dây chằng dịch kính và điện đông điều trị thành công 5 trong 8 ca bong võng mạc do co kéo.

* Thay thế dịch kính:
J.A.Andrews (1890) dùng nước muối sinh lý bù dịch kính mất sau mổ đục thể thuỷ tinh. A .Elsschnig (1911) dùng nước muối sinh lý bơm vào dịch kính điều trị bong võng mạc. J.Gonin cũng dùng nước muối sinh lý với mục đích tương tự.

W.Widder chứng minh bằng đồng vị phóng xạ rằng nước muối sinh lý nhanh chóng được thay thế bằng dịch nội nhãn. D.Kasner cũng chứng minh sự dung nạp tốt của mắt khi lấy đi phần lớn dịch kính và thay thế bằng nước muối sinh lý và rồi chính ông đã đưa ra kỹ thuật cắt dịch kính đi qua vùng rìa, đây là kỹ thuật cắt dịch kính mở và được nhiều tác giả khác đã áp dụng.

4.2. Cắt dịch kính nhãn cầu kín:

R.Machemer và J. M.Parel (1970) chế ra dụng cụ cắt dịch kính nhãn cầu kín theo nguyên tắc dao quay. Ban đầu thực nghiệm trên mắt thỏ. Ngày 13.6.1973 lần đầu tiên dùng trên người. Đây là phương pháp được ứng dụng rộng rãi ngày nay với rất nhiều sự cải tiến.

Nguyên tắc hoạt động :

- Lưỡi dao quay: Cuốn tổ chức cắt, gây co kéo dịch kính.

- Lưỡi dao hoạt động theo kiểu đi đi - lại lại: Tần số 600l/phút, không gây co kéo dịch kính.

- Nguồn sáng: Chung với đầu cắt, đừơng kính 1,7mm. Ngày nay các máy cắt dịch kính thường có đầu cắt riêng đường kính 0,8mm, nguồn sáng riêng.

Kỹ thuật :

Tạo ba lỗ đi vào nhãn cầu qua pars plana (cách rìa 3,8-4mm) cho 3 chi tiết dụng cụ: Kim truyền dịch nước muối sinh lý, đầu cắt dịch kính, đèn soi nội nhãn. Chai đựng dịch truyền treo cao chừng 0,75m so với mắt người bệnh. Phẫu thuật viên dùng tay phải điều khiển đầu cắt, tay trái điều khiển đèn soi.

4.3. Chỉ định cắt dịch kính:
* Điều trị các bong võng mạc: Do co kéo, do chấn thương có máu dịch kính, thể thuỷ tinh sa, lệch vào buồng dịch kính, bong võng mạc có tăng sinh võng mạc - dịch kính, có lỗ hoàng điểm, có rách trên 900 và mép rách cuộn, có đục và tổ chức hoá dịch kính nặng, bong sau mổ thể thuỷ tinh có thoát dịch kính, kẹt dịch kính vào mép mổ.

* Xuất huyết dịch kính.

* Viêm mủ nội nhãn (mủ dịch kính ): Trong một số trường hợp có thể chỉ định cắt dịch kính, dẫn lưu ổ abcess. Đã abcess dịch kính thì tiên lượng rất nặng nề .

* Vết thương nhãn cầu có dị vật nội nhãn: Những tổn thương loại này trước đây thường được chỉ định lấy dị vật bằng nam châm. Nếu là dị vật không từ tính thì việc loại bỏ dị vật phải dùng cặp chuyên dụng dưới nội soi tuy nhiên còn rất khó khăn do máu dịch kính và trong cả hai trường hợp thường để lại hậu quả là xơ hoá dịch kính. Ngày nay với phương tiện cắt dịch kính hiện đại, dị vật sẽ được lấy bỏ kết hợp với cắt dịch kính, hạn chế được rất nhiều những nhược điểm của các phương pháp mổ cũ.

Theo http://www.benhhoc.com

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008