Bệnh mồng gà

Bệnh mồng gà là gì ? Tác nhân gây bệnh ?

Bệnh mồng gà còn gọi là bệnh mụn cóc ở hậu môn, sinh dục, bệnh do Siêu vi trùng có tên khoa học là Papilloma Virus Humains (PVH) và là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ chí Minh.


Bệnh thường gặp ở tuổi nào và đường lây truyền ra sao ?

Bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi trong giai đoạn hoạt động tình dục từ 16 – 25 tuổi.
Đường lây truyền chủ yếu là do quan hệ tình dục không an toàn, ngoài ra còn lây qua các đường khác:
- Tiếp xúc trong gia đình: Mồng gà gặp ở trẻ em và phụ nữ còn trinh củng cố cho giả thuyết này
- Lây từ mẹ sang con trong giai đoạn chuyển dạ: khi mẹ bị mồng gà có thể là nguyên nhân gây u nhú thanh quản ở con (mặc dù hiếm gặp)

Như vậy thời gian từ lúc tiếp xúc với người bị bệnh đến khi phát triển triệu chứng lâm sàng là bao nhiêu lâu ?

Thời gian này có thể từ 3 – 8 tuần hoặc lâu hơn

Dấu hiệu nào để nhận biết bệnh mồng gà ?

Vì không có những triệu chứng cơ năng như đau, rát, ngứa do đó khó phát hiện nhất là ở phụ nữ, tuy nhiên nếu mồng gà ở lỗ tiểu thì gây khó tiểu hoặc tiểu rát. Thường thì bệnh nhân đi khám bệnh vì các chồi thịt bất thường ở bộ phận sinh dục - hậu môn hoặc đi khám phụ khoa (thai – huyết trắng) và được phát hiện.

Bệnh biểu hiện bằng các chồi thịt màu hồng hoặc đỏ sậm có cuống, sờ mềm, khi lan rộng cho hình ảnh giống bông cải hay mào của con gà.

Ở nam: gặp ở bao qui đầu, dây thắng, rãnh qui đầu – bao qui đầu, lỗ tiểu, bìu, vùng tầng sinh môn, hậu môn

Ở nữ : gặp ở môi lớn, môi bé, lỗ tiểu, cổ tử cung, thành sau âm đạo, túi cùng, vùng tầng sinh môn, hậu môn.

Thường không có hạch đi kèm





Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có các chồi thịt bất thường ở vùng hậu môn sinh dục cần phải làm gì ?

Nhất thiết phải đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán xác định mồng gà và điều trị kịp thời.

Bệnh mồng gà có bị chẩn đoán nhầm với các bệnh nào khác ?

Bệnh mồng gà đôi khi bị lầm lẫn với các trường hợp sau: vết rách của màng trinh ,sẩn hạt ngọc ở qui đầu, polype ở long trực tràng (cần lưu ý ở các trường hợp quan hệ đồng tính) ban giang mai dạng sùi ngay cả với ung thư tế bào gai.
Tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ có chẩn đoán chính xác

Mồng gà có điều trị được không ?

Hiện nay điều trị mồng gà chủ yếu là phá hủy tại chỗ bằng phẫu thuật – đốt điện, laser hoặc hóa chất

Tùy kích thước, số lượng và vị trí của sang thương mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân

Đối với các sang thương có kích thước lớn sẽ có chỉ định phẫu thuật

Đối với các sang thương nhỏ, số lượng ít có thể chỉ định đốt điện hoặc đốt laser

Ngoài ra có thể dùng thuốc thoa tại chỗ

Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng có thể gây biến chứng gì?

Bệnh mồng gà có thể gây biến chứng nhiễm trùng (lở loét do bôi thuốc không đúng), bí tiểu nếu mồng gà to thậm chí ung thư tế bào gai nhất là ở nam bị hẹp hoặc dài da qui đầu. Nếu mồng gà ở nữ lúc chuyển dạ có thể gây u nhú thanh quản ở con

Bệnh mồng gà có tái phát và liên quan đến ung thư không ?

Vì là bệnh lây nên sẽ tái phát nếu tiếp xúc lại với người bệnh

Các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra tần suất nhiễm PHV ở cổ tử cung tăng cao có nguy cơ tăng sản cổ tử cung gấp 5 lần. Còn ở nam đồng tính bị tăng sản biểu mô hậu môn và ung thư trực tràng có tần suất nhiễm PHV cao

Làm sao để phòng ngừa bệnh mồng gà?

Đầu tiên là tránh quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn: dùng bao cao su khi nghi ngờ người tiếp xúc tình dục có vấn đề

Nếu lỡ quan hệ tình dục không phòng ngừa cần theo dõi để phát hiện những bất thường (nổi các chồi thịt ở bộ phận sinh dục, hậu môn) và đi khám bệnh ngay để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý bôi, đặt hoặc uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Ở phụ nữ có thai, có huyết trắng, hoặc có bất thường ở vùng hậu môn sinh dục cần đi khám tại bệnh viện phụ sản hoặc chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng chứ không được tự ý bôi, đặt hoặc uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.


About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008