Nội Soi và sinh thiết phế quản

Bài viết tương đối dài, mời bạn click vào "tiêu đề" hoặc "đọc thêm..." để xem toàn bộ bài viết

1. Giới thiệu.
- Soi phế quản là đưa một dụng cụ có thể quan sát được ở trong lòng phế quản, nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị những tổn thương trong lòng khí-phế quản. Đồng thời có thể chọc xuyên qua thành phế quản để sinh thiết và thăm dò các tổn thương ngoài phế quản.

- Soi phế quản đã có từ hơn 100 năm nay. Người ta đã chế ra nhiều kiểu loại ống soi bằng kim loại, trong đó thông dụng là ống soi kiểu Jackson (1919). ống soi này sử dụng nguồn sáng tại chỗ (tại đầu ống soi). Ở việt nam thường dùng loại ống soi Jackson do Trung quốc hoặc Liên Xô cũ chế tạo, với nhiều loại kích thước dài, ngắn, to, nhỏ khác nhau. Nhưng phạm vi quan sát của loại ống soi này, chỉ cho phép nhìn được cửa ngõ các phân thuỳ phổi.

- Ống soi kiểu Friedel (1956) : là ống soi cải tiến, dùng nguồn sáng lạnh (ánh sáng từ bộ nguồn bên ngoài) được dẫn truyền qua dụng cụ quang học (các thấu kính) , nên có độ khuếch đại hình ảnh. Phần đầu của ống soi có thể điều khiển cử động quay nhiều hướng để quan sát, đường kính nhỏ hơn (4-5 mm ). Như vậy kiểu ống soi này cho phép nhìn được cửa ngõ của các phế quản phân thuỳ.

- Ống soi mềm Ikeda (1964) của hãng Olympus Nhật bản là một đỉnh cao về sự sáng tạo của nội soi. Ống soi được cấu tạo bởi hàng nghìn sợi thuỷ tinh mềm, nên có thể uốn khúc được. Với nguồn sáng lạnh từ xa và độ quang học phóng đại , nên có thể quan sát kỹ càng và dễ dàng phát hiện tổn thương. Hiện nay người ta đã chế tạo các loại ống soi sợi, với đường kính 2 - 6 mm, có gắn với video; kỹ thuật đã cho phép thăm dò được tới các phế quản xa hơn và cho nhiều người quan sát cùng một lúc.

2. Nguyên lý kỹ thuật.
Muốn soi phế quản người ta phải gây tê, từ hầu họng vào tới phế quản, bằng lidocain hoặc xylocain. Sau đó đưa ống soi qua đường miệng hoặc qua đường mũi (với ống mềm), để vào phế quản. Soi phế quản nhằm 2 mục đích:

- Để chẩn đoán:
. Khi soi có thể quan sát trực tiếp tổn thương và tình trạng vận động của phế quản, khí quản, và dây thanh âm.
. Sinh thiết hoặc chải trực tiếp vào tổn thương hoặc các cựa của khí-phế quản. Những tổn thương không nhìn thấy ở nội soi, nhưng thấy rõ ở trên Xquang, người ta có thể chọc xuyên qua thành phế quản để hút hoặc sinh thiết tổn thương, dưới màn huỳnh quang tăng sáng hoặc làm mò.
. Soi phế quản có thể hút dịch, đờm, hoặc rửa phế quản để xét nghiệm (tế bào và vi sinh vật… )
. Qua soi phế quản bơm thuốc cản quang để chụp phế quản khu trú (hiện nay có CT-scan nên thường không làm kỹ thuật này nữa).

- Để điều trị:
. Người ta rửa phế quản và bơm thuốc trong điều trị hen phế quản.
. Một số nơi người ta sử dụng áp lạnh, nhiệt đông hoặc phóng xạ trong lòng phế quản để điều trị ung thư, chảy máu…
. Soi phế quản lấy dị vật hoặc rửa hút giải phóng sự ùn tắc trong lòng phế quản.

Ngày nay soi phế quản ống mềm được sử dụng rộng rãi, gần như là một kỹ thuật thường qui ở các Bệnh viện lớn tại Việt Nam. Rất ít có chống chỉ định trừ một số trường hợp bệnh nhân quá yếu mệt (suy tim, suy hô hấp nặng …) . Vì vậy nó đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

Soi phế quản ống cứng rất ít được sử dụng, tuy vậy nó vẫn còn rất có hiệu quả trong việc lấy dị vật đường hô hấp.

3. Sinh thiết phế quản.
- Sinh thiết phế quản là một kỹ thuật được thực hiện trong khi soi phế quản, nhằm cắt lấy được mảnh tổ chức ở nơi tổn thương để xét nghiệm mô bệnh. Khi không thể cắt được, người ta dùng kỹ thuật chải phế quản hoặc chọc hút xuyên thành phế quản để giúp chẩn đoán tế bào học.

Đối với mỗi kỹ thuật trên, đều có một loại dụng cụ cấu tạo riêng: Để cắt bệnh phẩm qua ống soi cứng, thì dùng các loại kìm cắt to và cắt được mảnh tổ chức lớn d > 2-3mm. Để cắt bệnh phẩm qua ống soi mềm, thì có các loại kìm cắt cấu tạo mềm, có thể luồn được qua 1 lỗ trong ống soi sợi mềm và có thể cắt được các mảnh bệnh phẩm nhỏ hơn.

- Sinh thiết trực tiếp: là cắt trực tiếp vào vùng rìa của tổn thương, nhìn thấy được qua ống soi.

- Sinh thiết gián tiếp: là phương pháp sinh thiết xuyên qua thành phế quản (trong khi soi phế quản) để vào tổn thương (khối u) tại vị trí đã được xác định trên Xquang hoặc kết hợp làm sinh thiết dưới màn huỳnh quang tăng sáng (chiếu điện) . Cũng tương tự như kỹ thuật này nếu không thể làm được sinh thiết xuyên thành phế quản, thì có thể chọc hút qua thành phế quản bằng một loại kim đặc biệt. Dịch hút được đem dàn trên tiêu bản để chẩn đoán tế bào học.

- Chải phế quản là 1 kỹ thuật được tiến hành trong khi soi phế quản ống sợi mềm. Dụng cụ là 1 que thép chải dài và mềm, ở đầu có các sợi ni lông cứng (giống như que chải lông, để rửa chai lọ). Khi cọ sát vào niêm mạc phế quản nơi tổn thương hoặc vào khối u, sẽ lấy được tổ chức bị chải bong ra, đem dàn trên tiêu bản. Kỹ thuật này an toàn, nhưng chỉ làm được chẩn đoán tế bào học.

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008