THUỐC ANTIHISTAMINES

Ồ, Đông đã qua, Xuân vừa đến, với khí trời ấm áp và cảnh sắc rực rỡ của Xuân. Cây cỏ vui thay áo mới, lá non xanh, cành nảy nụ; nhiều loại hoa đã thi nhau khoe hương sắc.


Nhưng Xuân cũng là mùa dị ứng, mùa không ít vị đau khổ. Chúng ta sửa soạn dùng nhiều đến các thuốc antihistamines.


(H1-antihistamines)

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức


Antihistamines (thuốc có tác dụng chống chất histamine) là nhóm thuốc rất quan trọng, dùng chữa nhiều bệnh trong y học. Chúng ta một số còn mến mộ Phenergan, thuốc antihistamine nổi tiếng ngày trước, uống vào đờ đẫn cả người. Thuở ấy đến nay mấy chục năm rồi, vật đổi sao dời, đã có thêm nhiều thuốc antihistamines khác ra đời, khá hơn Phenergan.


Chất histamine trong cơ thể ta giữ nhiều nhiệm vụ: gây ra các phản ứng nhạy ứng cấp thời, điều hòa sự tiết acid trong bao tử, hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) tại óc. Histamine được trữ nhiều nơi, cả trong các tế bào mast cells ở màng nhày (mucosa) của hệ thống hô hấp, và các tế bào máu basophils.


Một chất giúp cơ thể hoạt động, nhưng lắm khi, lại gây vấn đề khiến ta khó chịu. (Ấy, sự đời vẫn thế. Người làm khổ ta thường là người thân quen ta, có khi người ta yêu thương nhất). Trong bệnh dị ứng mũi, chất histamine tiết ra nhiều quá làm màng mũi sưng lên, khiến mũi nghẹt, chảy, ngứa, hắt hơi, ... Trong bệnh nổi mề đay, chất histamine tiết ra quá nhiều, da đâm ngứa ngáy, nổi những mảng đỏ trông như những đám mây vần vũ. Để giảm bớt những triệu chứng gây do histamine, ta cần một chất thuốc có tác dụng chống lại histamine.


Thuốc chống lại histamine (gọi là antihistamine) đầu tiên tìm ra vào năm 1944. Từ đó đến nay, nhiều thuốc antihistamines liên tiếp ra đời, với hi vọng những thuốc sau sẽ tốt hơn những thuốc trước. Các thuốc antihistamines đầu tiên thường có tác dụng trên óc, nên hay gây buồn ngủ, dật dừ. Trong vòng 10 năm qua, một số thuốc antihistamines mới được phát minh, ít có tác dụng trên óc, nên không hoặc ít gây buồn ngủ.


Vì thế, các thuốc antihistamines hiện chia làm 2 nhóm:


- Các thuốc gây buồn ngủ (sedating antihistamines): các thuốc có thể làm ta dật dừ, buồn ngủ, như Phenergan, Benadryl, Chlor-Trimeton, Tavist, Atarax, ...


Thuốc mới Zyrtec, cũng thuộc nhóm gây buồn ngủ, song ít gây buồn ngủ và các phản ứng phụ khác như các thuốc cùng nhóm.


- Các thuốc không gây buồn ngủ (nonsedating antihistamine): gồm 3 thuốc mới Allegra, Clarinex, Claritin. (Thực ra, khi đi mua thuốc, lúc móc ví trả tiền, bạn còn tỉnh hẳn... vì chúng rất đắt).


Các thuốc antihistamines hoạt động theo cơ chế nào? Như nhiều chất khác trong cơ thể, muốn tác động được, chất histamine phải bám vào những chỗ tiếp nhận nằm trên mặt các tế bào gọi là các “receptors”. Thuốc antihistamines tác dụng bằng cách bám vào trước, chiếm hết những chỗ tiếp nhận này, khiến histamine nhỡ tàu, chỉ đứng xớ rớ quanh đó không làm gì được.


Công dụng của thuốc antihistamines


Các thuốc antihistamines dùng chữa rất nhiều bệnh trong y học, đem lại hạnh phúc cho bao người. Sau đây là một vài công dụng và tật bệnh hay cần đến sự chữa trị bằng các thuốc antihistamines nhất:


1. Bệnh dị ứng mũi và mắt (allergic rhinitis, allergic conjunctivitis)

Thuốc khá hữu hiệu, giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh dị ứng mũi và mắt, loại theo mùa (seasonal), lẫn loại quanh năm (perennial): chảy mũi, hắt hơi, ngứa mũi, ngứa cổ họng, chảy nước mắt, đỏ, ngứa mắt, ...


Thuốc không làm giảm nghẹt mũi, nên hay được pha chung với thuốc có tác dụng co màng mũi (decongestant) thành những thuốc tổng hợp như Actifed, Dimetapp, Tavist-D, Claritin-D, Allegra-D. Các thuốc này có luôn tác dụng giúp bớt nghẹt mũi, ngoài tác dụng làm giảm những triệu chứng kể trên (bạn để ý, chữ D đứng ở cuối tên thuốc có nghĩa “decongestant”).


Trên là những thuốc uống. Gần đây, một số thuốc nhỏ mắt chứa chất antihistamine (như Livostin) ra đời, thêm vũ khí để chữa bệnh dị ứng mắt cho các bác sĩ.


2. Nổi mề đay (urticaria)

Đây là bệnh rất hay xảy ra, gây những vết đỏ, ngứa nổi cộm trên mặt da. Trong bệnh này, histamine tiết ra nhiều từ các tế bào mast cellsbasophils, gây triệu chứng.


Tìm được nguyên nhân gây nổi mề đay, và chữa chúng là nhất. Song chuyện đời không giản dị. Trong 75-90% các trường hợp mề đay kinh niên, nguyên nhân không tìm ra. Bạn thất vọng lắm ư? Y học vẫn còn nhiều giới hạn bạn ạ.


Dẫu sao, thường sau một thời gian, mề đay tự nó cũng bớt dần. Vả lại, ta vẫn còn những thuốc antihistamines, những người bạn tốt, tuy không chữa khỏi hẳn căn bệnh, nhưng có thể giúp bạn dễ chịu nhiều lắm. Thuốc thường rất công hiệu trong các bệnh nổi mề đay.


3. Giúp ăn ngon

Vài thuốc antihistamines, đặc biệt thuốc chứa chất cyproheptadine, có tác dụng kích thích khẩu vị, giúp các vị họ nhà còm, kén ăn, ăn ngon và lên cân. Được cái, thuốc cũng không đắt.

(Vị nào hút thuốc lá, nhạt miệng biếng ăn, đòi dùng thuốc cyproheptadine, xin bỏ thuốc lá trước đã. Thường ai bỏ thuốc lá, cũng ăn ngon hơn.)


4. Giúp ngủ yên

Benadryl và Unisom là hai thuốc antihistamines có tác dụng giúp ngủ, rút ngắn thời gian trằn trọc trước khi ngủ, giúp ngủ sâu hơn, tăng cường phẩm chất giấc ngủ. Benadryl và Unisom bán bên ngoài không cần toa bác sĩ. Tuy nhiên, thuốc hay gây khô miệng, khó tiểu, có thể làm áp huyết xuống thấp khi đi đứng dẫn đến chóng mặt hoặc xỉu, nên các bác sĩ ít khi dùng các thuốc này vào mục đích giúp ngủ ở những vị có tuổi.


Hơn nữa, nếu bạn thích quá, dùng thuốc mỗi tối để ngủ, chỉ hơn tuần lễ sau, thuốc sẽ mất tác dụng, không còn giúp bạn đi vào giấc điệp dễ dàng như trước. Nếu mất ngủ, nên tìm nguyên nhân gây mất ngủ để chữa tận gốc, thuốc giúp ngủ chỉ nên thỉnh thoảng mới dùng.


5. Chữa ho

Một số thuốc antihistamines ức chế trung khu ho trên óc, và có lẽ cũng có tác dụng trực tiếp trên bộ hô hấp nên làm giảm ho.


Để chống ho mạnh hơn, nhiều thuốc ho trong có pha thêm chất antihistamine. Những thuốc ho này, uống vào, dễ buồn ngủ hơn thuốc ho trong không có chất antihistamine.


6. Chữa chứng chóng mặt quay và say xe, say sóng

Chóng mặt quay (vertigo: cảm giác như mọi vật chung quanh quay mòng mòng) là chứng rất hay xảy ra. Say xe, say sóng cũng vậy.


Vài thuốc antihistamines có tác dụng làm giảm chóng mặt quay, và các triệu chứng của say xe, say sóng (buồn nôn, ói mửa, khó chịu trong người khi đi xe hơi, máy bay, tàu). Hai thuốc hay được dùng vào các mục đích này là meclizine (Antivert) và dimenhydrinate (Dramamine).


7. Bệnh ngoài da

Thuốc uống antihistamines cũng hữu dụng trong bệnh ngoài da như bỏng nhẹ (minor burns), phỏng nắng (sunburn), các vết cắt nhỏ, các vết do sâu bọ chích cắn, và nhiều bệnh da gây ngứa khác. Thuốc làm bớt sưng, ngứa, đồng thời cũng có tác dụng giảm đau nhẹ.


Ngoài ra, thuốc antihistamines đang được nghiên cứu xem có giúp ích trong một số bệnh khác không, chẳng hạn như bệnh suyễn.


Các phản ứng bất lợi

Mọi chuyện trên đời hình như đều có hai mặt. Các thuốc antihistamines có thể gây một số phản ứng bất lợi (adverse reactions), đằng sau những gì tốt đẹp mà chính người viết đã quảng cáo cho chúng ở những đoạn trên.


Thuốc antihistamines thuộc nhóm gây buồn ngủ có thể làm khô miệng, bí tiểu (urinary retention), áp huyết xuống thấp, lên cân, chóng mặt, dật dừ, ù tai. May ra, bạn sẽ quen dần với những phản ứng bất lợi này sau 3 đến 4 ngày dùng thuốc.


Trong các phản ứng bất lợi, có lẽ buồn ngủ, dật dừ, đi trong cuộc đời như đi trong mơ, là phản ứng hay xảy ra, làm bạn khó chịu nhất. Nếu sau một tuần dùng thuốc, bạn vẫn chưa bớt dật dừ, bạn thử một thuốc khác xem sao. Có khi bạn phải dùng đến các thuốc antihistamines mới đắt hơn (Allegra, Clarinex, Claritin, Zyrtec), song ít gây các phản ứng phụ hơn.


So với thuốc antihistamines gây buồn ngủ, các thuốc antihistamines mới không hoặc ít làm buồn ngủ Allegra, Clarinex, Claritin, Zyrtec tác dụng chậm hơn. Chừng 1 tiếng sau, chúng mới bắt đầu có hiệu quả. Các thuốc gây buồn ngủ tác dụng nhanh, bắt đầu làm giảm triệu chứng trong vòng 15-30 phút, và tác dụng của chúng lên cao nhất trong vòng 1 tiếng, rất tiện cho những vị nóng ruột, muốn bác sĩ phải dùng thuốc mạnh giúp bớt ngay.


Với phụ nữ mang thai, sự chữa trị bằng các thuốc antihistamines khó khăn hơn, vì chỉ một ít thuốc được xem không có hại cho em bé trong bụng: Chlor-Trimeton, Dramamine, Periactin, Polaramine, Claritin, Pelamine, ... Tuy vậy, cũng không nên dùng chúng vào những tháng cuối của thai kỳ: các thuốc antihistamines có thể gây những phản ứng tai hại, như kinh giật (seizure), cho trẻ sơ sinh, hoặc trẻ sanh thiếu tháng. Với phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ, qua sữa, thuốc có thể sang cơ thể trẻ gây nhiều vấn đề, nhất là những trẻ sơ sinh hoặc sanh thiếu tháng. Vì thế, những phụ nữ đang cho con bú không nên dùng các thuốc antihistamines.


Nên dùng thuốc nào?



Bây giờ, giữa một rừng thuốc antihistamines, khi phải dùng đến chúng, bạn biết chọn thuốc nào? Ồ, điều này tùy một số điều kiện, và, còn tùy túi tiền ta nhẹ hay nặng. Các thuốc antihistamines gây buồn ngủ rẻ hơn (các thuốc Benadryl, Chlor-Trimeton, Dimetane tốn vài đồng mỗi tháng). Các thuốc không hoặc ít gây buồn ngủ Allegra, Clarinex, Claritin, Zyrtec khiến túi tiền của bạn hao hụt 60-70 đô-la mỗi tháng, chưa kể tiền đi bác sĩ để có toa mua thuốc. (Thuốc Claritin nay mua được ngoài thị trường không cần toa bác sĩ.)


Trên lý thuyết, các thuốc antihistamines đều hữu hiệu ngang nhau, chỉ khác nhau về giá cả và các phản ứng bất lợi. Đầu tiên, bạn thử dùng một thuốc antihistamine loại cũ gây buồn ngủ mua không cần toa bác sĩ, lại rẻ tiền, như Benadryl, Chlor-Trimeton, Dimetane, Tavist, ... (Nên cẩn thận khi bạn phải làm những công việc cần sự minh mẫn như lái xe, điều khiển các máy móc nguy hiểm. Và bạn cũng biết, các thuốc này còn có thể gây bí tiểu, áp huyết xuống thấp, chóng mặt, ù tai, ...) Sang hơn, bạn dùng ngay thuốc Claritin không làm buồn ngủ, ít gây chuyện, song đắt hơn (giờ mua không cần toa bác sĩ như trước).


Nếu triệu chứng bạn chẳng thấy thuyên giảm, bạn nên đi bác sĩ, nhờ bác sĩ thăm khám, định bệnh và dùng thuốc đúng hơn cho bạn.


Ôi, những thuốc antihistamines thân mến, đời thiếu vắng chúng, đời kém vui. Tưởng tượng xem, trước cảnh Xuân rực rỡ, nhưng nước mắt nước mũi ta cứ dàn dụa, mắt đỏ hoe, mũi sụt sịt, hắt hơi không ngớt, thì vui sao được mà vui. Rồi chỉ một viên antihistamine, đời bỗng vui trở lại !

theo http://www.hqtysvntd.org

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008