Giáo trình điện tử Tai Mũi Họng - Bài 10

Bài 10

CÁC ÁP XE QUANH HỌNG

1. Đại cương

Các áp xe quanh họng có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khỏi bệnh, ngược lại bệnh có thể gây các biến chứng nặng thậm chí tử vong. Áp xe quanh họng là cấp cứu trong Tai Mũi Họng.

Các áp xe quanh họng có thể gặp là:

- áp xe thành sau họng.

- Viêm tấy và áp xe quanh amidan.

- Áp xe amidan

- Áp xe thành bên họng

2. Sơ lược về giải phẫu họng

Họng là một ống cơ và màng, đi từ mỏm nền đến đốt sống cổ VI. Từ trong ra ngoài cấu trúc họng gồm: niêm mạc, cân hầu trong, lớp cơ, cân hầu ngoài. Họng được chia ra ba phần: họng mũi - họng miệng - họng thanh quản. Xung quanh họng có nhiều tổ chức lymphô tập trung thành những amidan, gọi là vòng Waldeyer. ở xung quanh họng: phía sau và bên, có những khoảng có thể bóc tách được gọi là những khoảng quanh họng hay bên họng. Có ba khoảng chính:

2.1. Khoảng I :

Còn gọi là khoảng sau họng Hencké.

Trong khoảng I có hạch Gilette. Hạch này hình thành ngay sau khi trẻ sinh ra và bắt đầu thoái triển khi trẻ lên 2 tuổi. Khi hạch này bị viêm và hóa mủ sẽ tạo thành áp xe thành sau họng.

2.2. Khoảng II:

Còn gọi là khoảng dưới tuyến mang tai sau của Sébileau.

Trong khoảng II có các cơ quan chính sau: Động mạch cảnh trong, tĩnh mạch cảnh trong, các dây thần kinh IX, X, XI, XII, hạch thần kinh giao cảm cổ, các hạch bạch huyết.

2.3. Khoảng III:

Còn gọi là khoảng dưới tuyến mang tai trước của Sébileau.

Trong khoảng III có những cơ quan chủ yếu sau: Phần trên của tuyến nước bọt mang tai và động mạch cảnh ngoài.

Hình 29: Khoang quanh amidan và các khoang quanh họng (M. Portmann)
1. Amidan khẩu cái; 2. Trụ trước của màn hầu; 3. Trụ sau; 4. Cơ khít họng trên; 5. Khoang liên kết dễ bọc tách quanh amiđan (vỏ amiđan); 6. Động mạch khẩu cái đi lên với nhánh động mạch amiđan;
7. Hạch Gillette nằm trong khoang l; 8. Động mạch cảnh trong; 9. Tĩnh mạch cảnh; 10. Động mạch cảnh ngoài; 11. Hàng rào các cơ trâm (trâm họng trâm móng, trâm lưỡi, nhị thân);
12. Xương hàm dưới với các cơ nhai; 13. Tuyến mang tai; 14. Cơ ức đòn chùm

I. Khoang thành sau họng; II. Khoang dưới sau trâm; III. Khoang dưới trước trâm

3. Áp xe thành sau họng

Áp xe thành sau họng là sự viêm tấy mủ của hạch Gilette ở trước cổ trong khoảng sau họng Henké.

Bệnh hay gặp ở trẻ em (2 tuổi) (> 2 tuổi hạch Gilette thường teo dần )

3.1. Nguyên nhân

Thường do biến chứng của viêm VA, viêm mũi, sau các bệnh nhiễm trùng lây như sởi-cúm-ho gà..., hoặc do hóc xương.

Tùy vị trí của hạch Gilette mà áp xe có thể ở cao hoặc thấp trong họng.

3.2. Triệu chứng lâm sàng

Trên cơ sở một bệnh nhi đang bị viêm mũi, viêm VA..., có các triệu chứng:

3.2.1. Toàn thân

- Sốt - quấy khóc - nhát ăn - gầy sút.

- Có thể sốt cao gây co giật.

3.2.2. Cơ năng

- Khó nuốt: Lúc đầu do đau họng, về sau khối áp xe to càng gây nuốt khó khăn và đau. Bệnh nhi đói, muốn ăn nhưng khi bú thì bị sặc hoặc không bú liên tục được, phải nhr vú luôn.

- Khó thở: Lúc đầu nhẹ sau thành nặng. Khó thở xuất hiện khi áp xe đã khá lớn, khó thở xuất hiện sớm khi u nằm thấp. Có trường hợp gây co thắt thanh quản làm khó thở tăng lên, có thể tử vong. Khó thở kiểu thanh quản: khó thở vào, có tiếng rít và co kéo.

- Tiếng khóc khàn: Tiếng khóc giọng mũi kín và khàn giọng.

3.2.3. Thực thể

- Hạch góc hàm: Thường sưng và đau

- Khám: Thành sau họng niêm mạc đỏ và căng phồng. Lúc đầu túi mủ nằm một bên, nhưng dần dần lan vào giữa. Cần chú ý khi đè lưỡi khám họng cần làm nhẹ nhàng, tránh đè mạnh và thô bạo có thể gây co thắt thanh quản làm ngừng thở đột ngột. Khi sờ nhẹ bằng ngón tay có cảm giác căng phồng.

- Chụp phim cổ nghiêng thấy cột sống cổ mất độ cong sinh lý, phần mềm trước cột sống cổ dày, có thể có mức hơi nước.

- Chọc dò thường hút ra mủ.

3.3. Tiến triển

- Nếu không phát hiện được, túi mủ sẽ to dần lên, làm cho bệnh nhi suy kiệt vì không ăn uống được, gây nhiễm trùng nặng. Nguy hiểm nhất là ổ áp xe tự vở, mủ tràn ngập khí phế quản gây ngạt thở và từ vong.

- Nếu phát hiện kịp thời, chích rạch dẫn lưu mủ thì bệnh sẽ khỏi nhanh chóng.

3.4. Điều trị

- Chủ yếu là chích dẫn lưu ổ áp xe qua đường miệng.

- Nên thực hiện việc chích dẫn lưu ở phòng mổ hoặc nơi có điều kiện để xử trí khi có tình huống cấp cứu xảy ra.

- Cho trẻ nằm đầu thấp, giữ chặt hoặc quấn vào một khăn to thật gọn, dùng dao lá lúa rạch túi mủ ở đường giữa, sau rạch dốc ngược đầu bé xuống không cho mủ tràn vào đường thở gây ngạt thở hoặc viêm phổi về sau. Cần banh rộng cho mủ chảy ra.

- Những ngày sau cần khám lại theo dõi sự dẫn lưu, nếu cần có thể rach rộng thêm.

- Dùng kháng sinh toàn thân

- Khi khỏi bệnh nên nạo VA.


Hình 30: Áp xe thành sau họng (A.G. Likhachev)

Hình 31: Chích áp xe thành sau họng (A.G. Likhachev)

4. Viêm tấy và áp xe quanh amidan

Viêm tấy và áp xe quanh amidan là sự viêm tấy tổ chức liên kết lỏng lẻo bên ngoài bọc amidan. Khi đã thành mủ thì gọi là áp xe quanh amidan.

Bệnh hay gặp ở thiếu niên và người trẻ tuổi. Bệnh có nhiều thể lâm sàng: thể trước trên, thể sau, thể dưới và thể ngoài. Thể điền hình hay gặp trên lâm sàng là thể trước trên.

4.1. Nguyên nhân

Thường do viêm A mạn tính đợt cấp, hoặc biến chứng của răng khôn hàm dưới.

Vi khuẩn hay gặp là liên cầu.

4.2. Triệu chứng lâm sàng

4.2.1. Toàn thân

Sốt cao 38-39 C, tình trạng nhiễm trùng: mệt mỏi và bơ phờ.

4.2.2. Cơ năng

- Đau họng: Thường đau một bên nhiều, đau nhói lên thấu tai nhất là khi nuốt nên người bệnh thường để nhước bọt ứ đọng trong miệng hoặc rệu ra ngoài.

- Há miệng hạn chế

- Tiếng nói lúng búng và ngột ngạt như có dị vật to trong họng: “giọng ngậm hạt thị”, hơi thở hôi.

4.2.3. Thực thể

Thường gặp thể trước trên

- Họng mất cân xứng: lưỡi gà và màn hầu bị phù nề đẩy lệch sang một bên

- Trụ trước A sưng phồng, đỏ nhất là 1/3 trên. Amidan bị đầy vào trong, xuống dưới và ra sau. Trụ sau bị che lấp. Bề mặt amidan chỉ hơi sung huyết, đôi lúc có ít xuất tiết .

- Hạch góc hàm có thể sưng to và đau.

- Chọc dò thấy có mủ (áp xe) hoặc chỉ có ít xuất tiết không có mủ (viêm tấy).

4.3. Tiến triển

- Nếu để tự nhiên, bệnh nhân phải chịu đựng đau kéo dài và mủ sẽ vở ở chổ phồng nhất và có thể khỏi dần. Nếu chổ vở không đủ rộng để dẫn lưu, bệnh sẽ kéo dài và dễ tái phát làm cho bệnh nhân suy nhược mệt mỏi.

- Nếu được chích rạch và dẫn lưu tốt, sẽ lành nhanh sau vài ngày dùng kháng sinh.

- Bệnh có thể gây các biến chứng phù nề thanh quản, viêm hạch dưới góc hàm, áp xe thành bên họng, Đối với thể sau có thể gây nhiễm trùng huyết hoặc tổn thương động mạch cảnh trong.

4.4. Điều trị

- Giai đoạn viêm tấy: Dùng kháng sinh toàn thân liều cao, giảm viêm, giảm đau

- Giai đoạn có mủ: Phải chích rạch đủ rộng, kháng sinh toàn thân. Thường chích rạch ở vị trí 1/3 trước trên của trụ trước (chổ phồng nhất), sau đó mở rộng để dẫn lưu mủ.

- Cắt amidan để tránh tái phát.

5. Áp xe amidan

Áp xe amidan là sự nung mủ ngay trong tổ chức amidan, thường gặp một bên. Bệnh gặp cả người lớn và trẻ em.

Trên cơ sở một viêm amidan mạn, các khe và các hốc bị bít tắt lại, chất ứ đọng bị bội nhiễm tạo thành túi mủ ngay trong nhu mô amidan.

5.1. Nguyên nhân

Thường do viêm amidan mạn đợt cấp. Sau khi viêm amidan, các triệu chứng tạm bớt rồi đau trở lại, đau chỉ một bên.

5.2. Triệu chứng lâm sàng

5.2.1. Toàn thân
Có thể sốt nhẹ hay sỗt cao, người mệt mỏi

5.2.2. Cơ năng

Nuốt đau, không ăn uống được. Có cảm giác như bị hóc xương.

5.2.3. Thực thể

- Khi khám họng miệng thấy amidan sưng to, một phần hoặc toàn bộ amidan bị căng phồng lên làm căng trụ trước.

- Các trụ không viêm, màn hầu có vẻ bình thường.

- Sờ vào amidan có cảm giác lùng nhùng, đau. Chọc dò có mủ.

- Hạch góc hàm có thể sưng hoặc không.

5.3. Tiến triển

- Nếu được dẫn lưu mủ và dùng kháng sinh toàn thân, bệnh sẽ khỏi nhanh.

- áp xe sẽ tự vỡ khoảng năm sáu ngày sau nhưng để lại một hốc. Chổ vở sẽ lành nhưng hay tái phát.

5.4. Điều trị

- Khi chọc dò có mủ nên xẻ dẫn lưu, dùng kháng sinh toàn thân

- Nên cắt amidan để tránh tái phát.

6. Áp xe thành bên họng

6.1. Nguyên nhân

Thường do viêm nhiễm từ amidan khẩu cái lan ra ngoài theo đường tĩnh mạch hoặc do viêm tấy và hóa mủ của các hạch khoảng bên họng.

Có thể do thủng thành họng vì chấn thương hay dị vật

6.2. Triệu chứng lâm sàng

6.2.1. Toàn thân

Sốt cao, mạch nhanh, tình trạng nhiễm trùng. Người mệt mỏi, bơ phờ.

6.2.2. Cơ năng

- Đau họng, đau tăng lên khi khi quay cổ, khi sờ vào chổ sưng và há miệng.

- Nuốt đau và khó nuốt, khi nuốt đau lan lên tai.

- Nước bọt chảy nhiều, tràn ra miệng, có thể gây ho khi chảy vào thanh quản.

- Giọng nói nặng và ồm ồm.

6.2.3. Thực thể

- Sưng cổ ở vùng máng cảnh, bờ dưới góc hàm hoặc vùng dưới hàm. Bờ trước cơ ức đòn chũm có thể bị đẩy phồng lên.

- Sờ vào vùng cổ bị sưng gây đau, có mủ thì có cảm giác căng hoặc lùng nhùng.

- Hạch cổ sưng to và có hiện tượng viêm xung quanh hạch.

- Bệnh nhân thường ngoẹo cổ về bên bệnh.

- Khám họng: A và các trụ bị đẩy vào trong. Màn hầu và lưỡi gà không bị phù nề.

6.3. Tiến triển

Túi mủ ngày một lớn, nếu không xử trí có thể vở ra ngoài cổ hoặc lan vào trong rồi vở vào họng, đôi khi lan xuống thượng đòn rồi đi xuống trung thất nhưng rất hiếm.

6.4. Điều trị

- Khi chưa có mủ, cần dùng kháng sinh toàn thân, giảm viêm, giảm đau.

- Cần chích rạch sớm ngay khi bắt đầu có mủ. Có thể mổ cạnh cổ để dẫn lưu. Cần cho kháng sinh liều cao và theo dõi cẩn thận sau khi chích rạch.

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008