Đông y giải rượu thế nào?

Nếu dùng rượu biết cách và có chừng mực, thì sẽ giúp máu huyết lưu thông, ăn uống ngon miệng… Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây hại đến sức khỏe.

Các bài thuốc từ cây lá

Vào những ngày lễ, Tết, những dịp vui vẻ, khi gia đình và bạn bè tụ họp, uống một chút rượu không những làm tăng thêm phần hứng khởi mà còn giúp cho khí huyết được lưu thông dễ dàng, tỳ vị trở nên ấm áp, ăn uống cảm giác ngon miệng hơn lại phòng chống được chứng bệnh cảm mạo do phong hàn gây ra. Tuy nhiên, nếu ham vui quá chén để lâm vào tình trạng say bí tỉ thì cuộc vui chẳng những sớm tàn mà sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu rất nguy hiểm.

Bài viết này nói về những kinh nghiệm dân gian và các biện pháp đơn giản của y học cổ truyền có hiệu quả trong việc giải rượu.

Trước hết, cần cho người say uống một lượng nước vừa đủ, ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào, nhằm pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Sau đó, tùy theo điều kiện cụ thể mà có thể dùng một trong những bài thuốc dưới đây:

Dùng 1 quả chanh tươi vắt lấy nước để uống, hoặc thái mỏng chanh để ăn luôn cả quả càng tốt; dùng lá dong (loại lá dùng để gói bánh chưng) 100-200 gr rửa thật sạch, giã nát vắt lấy nước cốt để uống; lấy vỏ quýt phơi khô (càng để lâu năm càng tốt) độ 30 gr sao thơm tán vụn, 2 quả mơ chua bỏ hột thái vụn.

Đem cả hai sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút lọc bỏ bã lấy nước uống. Nếu có thêm một chút nước gừng tươi hoặc trà thì càng tốt; dùng 60 gr vỏ cam rửa sạch, sấy khô, tán bột, cho uống 6 gr với nước ấm, nếu chưa công hiệu thì uống thêm một vài lần nữa; dùng một nắm trà diệp, 60 gr đậu xanh đập vụn, 10 gr lá long não.

Tất cả đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, chia uống vài lần; dùng loại trà búp 5 gr, quất khô (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được) 16 gr thái vụn. Hai thứ đem hãm với nước sôi, uống đặc; lấy 9 gr trà búp, 60 gr cà rốt tươi, 15 gr vỏ bí xanh đem sắc (nấu) nước để dùng; dùng quả cau tươi bỏ vỏ xanh và hạt 50 gr, cam thảo 12 gr (nửa để sống, nửa sao muối).

Tất cả đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, chia uống vài lần; dùng hoa sắn dây (nếu không có thì dùng củ sắn dây thay thế) 10 gr đem sắc uống. Cũng có thể hãm cùng trà búp 5 gr, đậu xanh 10 gr với nước sôi, chia uống vài lần; lấy 50 gr vỏ quả chanh, 50 gr vỏ quả quýt, 25 gr hoa sắn dây, 25 gr hoa đậu xanh, 10 gr nhân sâm, 10 gr nhục đậu khấu, 30 gr muối ăn. Các vị sấy khô, nghiền thành bột, đựng trong bình kín để dành dùng dần. Khi say rượu, lấy 5-7 gr pha nước uống, mỗi ngày 3 lần.

Và biện pháp bấm huyệt

Trước hết, tiến hành day bấm huyệt yêu nhãn từ 3-5 phút. Vị trí huyệt yêu nhãn: giơ cao tay và nghiêng mình một chút, chỗ lõm hai bên thắt lưng (tương ứng với đốt sống thắt lưng 4) hiện rõ, huyệt nằm ở giữa đáy lõm từ mỏm gai đốt sống thắt lưng 4 đo ngang ra 3,8 tấc. Tiếp theo, tiến hành day bấm huyệt thái xung từ 3-5 phút.

Vị trí huyệt thái xung: ép ngón chân cái vào ngón thứ 2, huyệt nằm ở mu bàn chân, đo từ đầu kẽ hai ngón chân lên 2 tấc. Cũng có thể xác định bằng cách lấy huyệt ở điểm giữa đường nối đầu ngón chân cái với nếp gấp ngang cổ chân. Cuối cùng, tiến hành xoa xát toàn bộ mu bàn chân. Nếu người say có thể đứng được thì dùng gót chân này giẫm mạnh và xoa mu bàn chân kia và ngược lại từ 5 - 6 phút.

Các biện pháp giải rượu trên đơn giản, dễ kiếm, dễ làm. Nhưng lưu ý, với những trường hợp uống quá nhiều rượu bị ngộ độc rượu cần phải đến cơ sở y tế để khám và cấp cứu kịp thời.

Hoàng Khánh Toàn

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008