Một số điểm về HbA1c

Bài viết tương đối dài, mời bạn click vào "tiêu đề" hoặc "đọc thêm..." để xem toàn bộ bài viết

Ở người lớn, HbA chiếm khoảng 97 - 98%, HbA2 chiếm khoảng 2,5% và HbF khoảng 0,5%. HbA gắn với glucose tại đoạn cuối với amino acid valin của chuỗi beta. Quá trình gắn này gọi là "glycosylation" và hemoglobin bị glycosylate gọi là HbA1.

Mặc dù HbA1 chiếm chủ yếu trong số hemoglobin gắn với glucose, quá trình "glycosylation" có thể xảy ra tại các vị trí khác trong chuỗi globin và ở các hemoglobin khác nữa ngoài HbA. Quá trình "glycosylation"hemoglobin xảy ra khi hồng cầu tiếp xúc với glucose huyết tương.

Hemoglobin và glucose có thể tạo cầu nối ban đầu lỏng lẻo nhưng sau đó bền vững, rất khó tách được hemoglobin và glucose. Đối với HbA1, phần cầu nối lỏng lẻo thường chiếm 10% tổng số cầu nối HbA1 - glucose.

Sự hình thành HbA1 xảy ra rất chậm trong suốt đời sống hồng cầu (120 ngày), số lượng HbA bị "glycosylation" phụ thuộc vào nồng độ glucose và thời gian tiếp xúc với glucose.

HbA1 gồm 3 loại: A1a, A1b, và A1C, trong đó HbA1C chiếm 60 - 70% lượng HbA1.

Vì HbA1 chiếm đa số hemoglobin bị glycosylate hoá ở điều kiện bình thường, HbA1C do đó đại diện cho hemoglobin bị glycosylate. Loại huyết sắc tố glycosylat A1C (HbA1C) thường chiếm 4 - 6% tổng số huyết sắc tố

Tăng nồng độ hemoglobin gắn glucose có thể gây nên bởi sự mới tăng nồng độ glucose máu trong một thời gian ngắn (trong đó cầu nối lỏng lẻo bị ảnh hưởng đầu tiên), nhưng thường là do tăng nồng độ glucose máu tương đối thường xuyên hay do tăng nồng độ glucose máu ngắt quảng đủ gây nên tăng nồng độ glucose máu trung bình ở mức cao bất thường (ở hai trường hợp này cầu nối bền vững bị ảnh hưởng đầu tiên).

Tăng hemoglobin bị glycosylate có cầu nối bền vững bắt đầu khoảng 2 - 3 tuần (thay đổi trong 1 - 4 tuần) sau khi nồng độ glucose máu trung bình tăng ổn định. Đo hemoglobin bị glycosylate phản ánh nồng độ glucose máu trung bình trong 2 - 3 tháng trước đó (thay đổi 1 - 4 tháng).

Ngược lại, tăng hay giảm glucose ở mức tương đối (100mg/100ml hay 5,55mmol/l) xảy ra trong vòng 3 ngày trước khi đo HbA1 sẽ làm tăng thêm hemoglobin bị glycosylate có cầu nối lỏng lẻo 15% (thay đổi 12 - 19%) so với hemoglobin bị glycosylate.

Sự giảm đột ngột tự phát glucose máu thường ít gặp, vì vậy trong hầu hết các trường hợp, nồng độ hemoglobin bị glycosylate bình thường là bằng chứng rất tốt của glucose máu trung bình tương đối bình thường trong ít nhất 4 tuần.

Như vậy, huyết sắc tố glycosylat phản ánh mức glucose máu trong vòng trên dưới 8 tuần lễ trước khi đo và sẽ cho biết sự kiểm soát glucose máu trong thời gian dài. ở bệnh nhân ĐTĐ nồng độ HbA1C khoảng 5 - 7% cho biết bệnh nhân đã được ổn định glucose máu tốt trong 2 - 3 tháng trước.

Nếu HbA1C> 10% chứng tỏ glucose máu bệnh nhân không được kiểm soát tốt. Ngược lại, trên bệnh nhân glucose máu cao, nếu điều trị tích cực giảm được glucose máu thì huyết sắc tố kết hợp với glucose sẽ chỉ thay đổi sớm nhất sau 4 tuần.

Tóm lại, tăng nồng độ hemoglobin glycosylate hầu hết là do tăng glucose máu trung bình trong một thời gian dài từ 2 - 3 tháng trước. Đo hemoglobin glycosylate đã được áp dụng để giám sát hiệu quả điều trị ĐTĐ lâu dài, giám sát mức độ nhạy cảm của bệnh nhân với điều trị cũng như giúp phân biệt rối loạn dung nạp glucose trong một thời gian ngắn có liên quan đến stress (nhồi máu cơ tim cấp) và ĐTĐ.

Tỷ lệ HbA1C là một thông số tốt để giúp kiểm soát đường huyết nhưng không thể dùng để chẩn đoán bệnh. Ngày nay, HbA1C được coi như một tiêu chí để đánh giá kết quả của sự ổn định về chuyển hoá trên bệnh nhân ĐTĐ. Định lượng HbA1 hoặc HbA1C là thông số quan trọng trong đánh giá kiểm soát glucose máu lâu dài trên lâm sàng và nó đã trở thành "tiêu chuẩn vàng" trong đánh giá hiệu quả điều trị.

Bệnh nhân ĐTĐ nên được đo HbA1C mỗi 3 - 6 tháng một lần
Các yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến kết quả đo HbA1C:
* Mất máu cấp hoặc mạn làm giảm đời sống hồng cầu và do đó sẽ làm giảm nồng độ huyết sắc tố glycosylat. Nên cẩn thận biện luận kết quả khi có thiếu sắt, xuất huyết tiêu hoá, nhiễm sắc tố sắt, tán huyết...

* Trên bệnh nhân suy thận mạn, huyết sắc tố glycosylat có thể bị carbonyl hóa (sẽ làm tăng kết quả HbA1), mặt khác cũng có thể giảm do tán huyết, xuất huyết tiêu hoá.

* Một số bệnh huyết sắc tố cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả đo HbA1: huyết sắc tố F, bệnh huyết sắc tố C, D, S.

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008