Bài Tập Số 18: Tiếp Xúc Bằng Mắt

Bài viết tương đối dài, mời bạn click vào "tiêu đề" hoặc "đọc thêm..." để xem toàn bộ bài viết

Tầm quan trọng của việc tiếp xúc bằng mắt

Tránh tiếp xúc bằng mắt là một trong những yếu tố của phần không thấy được của hiện tượng nói lắp. Tránh tiếp xúc bằng mắt là phần chìm dưới mặt nước của tảng băng trôi nói lắp và điều quan trọng là bạn phải thay đổi cách cư xử này nếu muốn dần thoát khỏi tật nói lắp.

Tiếp xúc bằng mắt là một phương tiện giao tiếp không lời mạnh mẽ giữa hai người. Người nói lắp có xu hướng tránh nhìn vào mắt người khác có lẽ vì việc tiếp xúc bằng mắt chủ yếu truyền tải tình cảm và cảm xúc; người nói lắp có khuynh hướng che giấu cảm xúc của mình và muốn đè nén tình cảm của họ. Tiếp xúc mắt biểu lộ cảm giác thân mật, là điều mà người nói lắp cảm thấy ngượng ngùng và không thoả đáng. Hơn nữa, họ có khuynh hướng chủ động nhìn chỗ khác vì họ không muốn nhìn thấy phản ứng của người nghe khi họ lỡ nói lắp.

Dầu người nói lắp có xu hướng tránh tiếp xúc mắt, họ thỉnh thoảng cũng nhìn vào mắt người khác để biết người đó nghĩ gì hay cảm nhận gì. Do đó hầu như bạn thấy mình lúng túng thể nào khi nói chuyện với ai đó mà người đó đeo kiếng đen để giấu hoàn toàn cặp mắt của họ. Nó cũng khá giống như thể mình đang nói chuyện với một bức tường. Bạn không chắc về điều người ấy nghĩ hay cảm nhận. Thậm chí bạn cũng không chắc là người ấy đang thật sự lắng nghe bạn hay không. Người ấy có quan tâm đến những gì bạn nói hay người ấy đang cảm thấy ngán ngẩm trò chuyện với bạn? Người ấy có thương bạn hay không? Bạn có thể tin người ấy được không? Bây giờ bạn đã nhận ra thông tin bị tắc nghẽn như thế nào bởi cặp kính mát. Bạn cũng nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp xúc bằng mắt trong sự giao tiếp có hiệu quả.

Việc nhìn vào mắt người nghe có thể nói cho bạn biết nhiều về điều anh ấy hoặc cô ấy nghĩ hay cảm nhận. Nếu người ấy nhắm hờ mắt, điều đó có nghĩa người ấy cảm thấy thật khó khăn để theo dõi sự lập luận của bạn. Khi thấy như thế, bạn hiểu rằng bạn phải nói chậm lại và giải thích cẩn thận hơn điều bạn muốn nói. Nếu mắt người ấy mở to tròn xoe thì điều này hàm ý người ấy giật mình ngạc nhiên. Nếu đây là những gì bạn đang tìm kiếm thì bạn biết bạn đã đạt được điều đó rồi. Nếu không, bạn biết rằng bạn phải giải thích quan điểm của bạn cách chi tiết hơn. Việc nhìn vào mắt của người nghe cũng có thể giúp bạn khám phá ra liệu người này có đáng tin hay không, có lưu tâm đến người khác hay không.

Luyện tập nhìn thẳng vào mắt của người nghe

Trong những ngày tới, bạn thử nhìn vào mắt của người nghe càng nhiều càng tốt mỗi khi bạn trò chuyện với ai đó. Thoạt đầu, việc tiếp xúc mắt này có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu và mắt bạn chắc hẳn “muốn tránh né” và nhìn vào “thứ gì đó ít gây ra cảm xúc” hơn như là mũi, miệng hay cà vạt của người nghe. Hoặc có thể mắt bạn sẽ tập trung vào đồ đạc nào đó hơn.

Cảm giác đầu tiên của bạn là không thể nào nhìn lâu hơn nửa giây. Mỗi khi nhìn, hãy ráng nhìn lâu hơn như thế. Tôi nhớ sau hai ngày thực hành tiếp xúc mắt, cuối cùng tôi cũng nhìn lâu khoảng 15 phút khi nói chuyện với đồng nghiệp. Phải, những mười lăm phút… Trước đó, tôi chưa từng nghĩ mình có thể làm được điều đó hay mình đáng phải làm điều đó. Dường như việc ấy không là thử thách gì nhiều cho đồng nghiệp của tôi nhưng khi cuộc trò chuyện kết thúc, tôi cảm thấy chóng mặt và kiệt sức. Tôi cảm thấy choáng bởi cảm giác lạ lẫm khi mắt mình cứ dán chặt vào mắt của người đó. Suốt 15 phút, tôi không thấy gì ngoài hai con ngươi của người đó; tôi cũng không nghe gì ngoài cuộc trò chuyện của chúng tôi. Những đồng nghiệp khác cứ qua lại và nói chuyện xung quanh cứ như họ không tồn tại.

Tại sao những người bạn của tôi tránh tiếp xúc mắt?

Khi lần đầu bạn cố duy trì tiếp xúc mắt, bạn hầu như thấy những người bạn không biết thường tránh nhìn mắt bạn. Mặt khác, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy bạn bè hay người thân của bạn cứ tránh nhìn vào mắt bạn. Thoạt đầu bạn có thể xem điều này như là bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc mắt không thoả đáng lắm; bạn có thể tự hỏi rằng người ta sẽ nghĩ gì về bạn khi bạn cứ nhìn chăm vào mắt họ. Có thể họ nghĩ bạn đang có vấn đề khi nhìn như vậy. Bạn sẽ bắt đầu lo lắng rằng bài tập này sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn đang mắc phải căn bệnh thần kinh nào đó. Đừng lo lắng về chuyện đó, cứ tiếp tục luyện tập. Bạn sẽ thấy ngày qua ngày bạn bè và người thân của bạn sẽ dần thôi không tránh tiếp xúc mắt với bạn nữa. Thật sự lý do ban đầu họ tránh tiếp xúc mắt với bạn là vì họ hoặc vô tình hoặc cố ý biết rằng bạn đang gặp khó khăn trong việc tiếp xúc mắt nên họ chọn tránh làm bạn ngượng ngùng qua việc nhìn thẳng vào mắt bạn.

Rồi một lần nữa, họ lại bắt chước cách cư xử của bạn. Con người là sinh vật xã hội và có xu hướng bắt chước cách cư xử của những người xung quanh cách mạnh mẽ. Tôi để ý thấy những du khách nước ngoài có xu hướng bắt chước hành vi của những người dân địa phương. Ví dụ như ở Luân Đôn, người ta thường đi bộ về phía bên phải của lề đường và những du khách nước ngoài cũng nhanh chóng bắt chước họ đi như thế. Trong những đất nước mà người đi bộ đi tự do, không theo lề luật và thỉnh thoảng đứng ngay giữa đường gây ra “ách tắc giao thông” thì những du khách nước ngoài cũng có xu hướng đi tương tự dù họ đến từ đất nước tuân theo pháp luật nhất. Họ cũng không do dự làm nghẽn đường đi trong khi cố gắng tìm đường để đi. Điều buồn cười là dân địa phương cuối cùng cũng đổ thừa cho những du khách ngu ngốc này làm ách tắc đường đi của họ…

Khi bạn cứ giữ tiếp xúc bằng mắt, bạn bè và người thân của bạn sẽ dần chú ý sự thay đổi trong cách cư xử của bạn và họ dần sẽ bắt chước bạn và giữ tiếp xúc bằng mắt với bạn.

Ngày qua ngày, việc tiếp xúc bằng mắt này dường như trở nên tự nhiên hơn và bạn cứ luyện tập cho đến khi nó hoàn toàn tự nhiên và không gò bó.

Hãy nhìn vào mắt người đối diện trước khi bạn bắt đầu nói

Trước khi bạn nói chuyện với ai đó, hãy nhìn thẳng vào mắt của người đó trong vài giây. Qua việc nhìn thẳng vào mắt của người nghe, bạn sẽ tạo nên một sự liên kết không lời trong giao tiếp. Bạn sẽ biết người khác có sẵn lòng lắng nghe bạn và chờ bạn nói chuyện với họ hay không. Bạn sẽ biết bạn không cần phải vội vã và sẽ cảm thấy thoải mái hơn với người nghe của mình.

Giữ tiếp xúc bằng mắt trong khi bị nói lắp

Điều quan trọng là hãy cứ tiếp xúc bằng mắt trong khi bị nói lắp. Khi một người nói lắp cảm thấy có cái gì đó ngăn trở việc nói sắp xảy ra, họ có khuynh hướng tự nhiên là nhìn đi chỗ khác để tránh nhìn thấy phản ứng của người nghe. Bạn nên kháng cự lại sự thôi thúc này và cứ nhìn vào người đối diện luôn ngay cả bạn vẫn gặp khó khăn trong việc rất lâu mới nói ra một từ. Dường như bạn chẳng cảm thấy dễ chịu chút nào khi đọc thấy sự bối rối trên gương mặt của người nghe nhưng bạn nên biết rằng người nghe của bạn sẽ càng bối rối hơn nếu bạn nhìn đi chỗ khác.

Khi nói với nhiều người

Khi bạn chỉ nói chuyện với một người, bạn nên nhìn vào mắt họ càng thường xuyên càng tốt. Bạn nên chỉ nhìn vào mắt họ. Khi nói chuyện với một nhóm người, bạn nên nhìn từng người trong vài giây. Giả sử bạn đang nói chuyện với Bob, John và Jane. Hãy bắt đầu nhìn Bob trong vài giây, sau đó nhìn vào mắt của John rồi vài giây sau nhìn vào Jane.

Bạn cũng nên điều chỉnh lượng thời gian thích hợp để nhìn vào người khác tuỳ theo từng tình huống. Lấy ví dụ nếu câu chuyện xoay quanh John, bạn nên dành nhiều thời gian để mắt vào John và chỉ cần nhìn lướt qua Bob hay Jane để xem họ cảm thấy thế nào về điều bạn đang nói. Nếu bạn thấy Jane tỏ ra bất đồng dữ dội về điều bạn nói, bạn nên dời sự tập trung của câu chuyện qua Jane và giữ tiếp xúc bằng mắt với cô ấy trong khoảng thời gian lâu hơn và cứ liên tục kiểm tra xem cảm xúc của Bob và John ra sao qua việc liếc nhanh mắt của họ.

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008