Bài tập số 22: Hãy Nói To!

Bài viết tương đối dài, mời bạn click vào "tiêu đề" hoặc "đọc thêm..." để xem toàn bộ bài viết

Những người khác

Bạn có để ý rằng nhiều người nói nhỏ như thế nào không? Khi tôi lái xe, thỉnh thoảng tôi cũng gặp khó khăn trong việc nghe người cùng đi với tôi nói chuyện: giọng của người đó hiếm khi át được tiếng ồn của động cơ xe. Tôi ước gì người này có nút điều chỉnh âm thanh để tôi có thể chỉnh âm lượng to lên. Khi tôi đề nghị người đó nói to, tôi thường nhận được câu trả lời ngu ngốc như thường lệ rằng ấy là do tôi đã quên ngoáy lỗ tai của mình. Thật nực cười!

Sự thật là người ấy nghĩ rằng mình nói đủ to. Lỗ tai của người có mối quan hệ mật thiết với thanh quản và môi miệng đến nỗi âm thanh của người phát ra hầu như điếc đối với người. Người không thể hình dung rằng mình có thể nói to hơn.

Còn bạn thì sao?

Trên thực tế, tình cờ bạn cũng nói giống như vậy. Bạn nghĩ rằng bạn nói đủ to nhưng người khác hẳn sẽ vui hơn nếu bạn nói to hơn một chút.

Khi bạn nói lắp, nói nhỏ sẽ là một lợi thế lớn: nhiều người sẽ không thể nghe bạn lắp ba lắp bắp. Bạn thật sự không muốn tất cả những người hàng xóm của mình biết bạn bị nói lắp. Vì lý do này bạn hầu như có khuynh hướng nói nhỏ hơn người bình thường.

Hãy nói to!

Trong những ngày sắp tới, bạn phải cố gắng nói to hơn bình thường. Đừng lo lắng nếu bạn bị nói lắp. Thật vậy, nhiều người sẽ nghe bạn nói lắp nhiều hơn. Vậy thì sao nào? Chúng ta đã nói bạn cần phải thừa nhận tật nói lắp của mình và không có lý do gì phải xấu hổ khi mình nói không trôi chảy. Nói to hơn là cách tối ưu để chứng tỏ với mình và với thế giới rằng bạn có thể sống với tật nói lắp của mình mà không hổ thẹn.

Bạn hiểu được một người nói to hơn người bình thường là thế nào? Bạn hầu như nghĩ rằng người ấy tự tin. Bạn sẽ dễ dàng lắng nghe người hơn và có xu hướng tin những gì người ấy nói.

Nếu điều đó đúng cho những người khác, nó cũng đúng cho bạn. Bằng cách nói to, bạn sẽ lấy lại tự tin, do đó người khác sẽ thích nghe bạn và tin những gì bạn nói. Điều này sẽ tăng khả năng nói lưu loát của bạn và bạn sẽ ít bị nói nắp hơn nếu bạn tự tin. Nói to cũng gây tác động ích lợi lên hệ thống cơ Valsalva. Bạn sẽ phát âm nhiều hơn và thanh quản sẽ ít bị khép chặt hơn. Bạn cũng sẽ thở sâu hơn và điều này sẽ làm thư giãn hệ thống cơ Valsalva hơn.

Ngày qua ngày, hãy dần dần tăng âm lượng của giọng nói bạn. Đừng lo lắng về việc bạn sẽ làm chói tai người nghe. Hãy nhớ thanh quản của bạn có mối liên hệ mật thiết với lỗ tai và bạn sẽ luôn nghe tiếng của mình to hơn tiếng của người khác. Chừng nào người nghe của bạn chưa bịt tai lại thì bạn vẫn có thể tăng âm lượng to hơn một chút.

Bây giờ hãy giả sử rằng bạn cần nói chuyện với John. John đứng cách bạn khoảng 30 bộ (~ 10m). Bạn sẽ làm gì? Đi lại chỗ John và thì thầm với anh ấy? Không, dĩ nhiên là không! Bạn vẫn đứng yên tại chỗ và hét to về phía John. Điều đó có nghĩa là mười hoặc hai mươi người có thể nghe những gì bạn nói và dần dần họ cũng nghe bạn bị nói lắp. Bạn không cần xấu hổ về tật nói lắp của mình, do đó điều này không phải là nan đề đối với bạn.

Cứ tiếp tục tăng âm lượng giọng nói của bạn suốt những ngày sắp tới. Khi bạn nói, hãy để ý cảm giác của bạn thế nào. Bạn có cảm thấy chút lạ lẫm và khó chịu nào không? Điều này bình thường thôi: bạn đang làm một việc mà mình không hề quen thuộc và phải mất vài ngày bạn mới có thể điều chỉnh được. Sau đó bạn có thể tăng âm lượng từng chút một.

Bạn có cảm thấy tự tin và thoải mái hơn bình thường không? Tuyệt vời! Điều này có nghĩa bạn đã thích nghi rất nhanh. Bạn cứ tiếp tục tăng dần âm lượng nhé.

Hãy để ý người khác sẽ phản ứng thế nào đối với cách nói chuyện mới của bạn. Họ có chú ý lắng nghe bạn hơn không?

Họ dường như vui hẳn lên và thoải mái hơn phải không? Không còn nghi ngờ gì nữa: Người khác sẽ cư xử khá giống một cái gương soi. Nếu bạn cười, họ sẽ cười. Nếu bạn nháy mắt, họ cũng nháy mắt. Nếu bạn nói nhỏ với giọng tẻ nhạt, họ dường như cũng nhạt nhẽo lại với bạn. Nếu bạn nói to và hăm hở, họ cũng sẽ hăm hở lại với bạn và họ có vẻ sinh động và thoải mái hẳn lên.

Hãy để ý bạn đang tương tác với những người khác như thế nào. Bạn đang giao tiếp với người khác thay vì tranh đấu với chính tật nói lắp của mình. Bạn không chỉ trao đổi lời nói và ý tưởng mà còn ảnh hưởng tâm trạng và cách hành xử của người khác. Bạn không cần phải nói lưu loát để đạt được điều đó. Tất cả những gì bạn cần phải làm là nói to lên, sử dụng ngôn ngữ cử chỉ, cười vui vẻ, nháy mắt và thế là xong!

Những ngày vui vẻ và những ngày buồn chán

Bạn hầu như thấy rằng việc nói lắp luôn dao động từ ngày này sang ngày khác. Ngày hôm nay bạn ăn nói khá trôi chảy nhưng ngày hôm sau bạn lại bị nói lắp nặng. Không ai biết cách chính xác vì sao tật nói lắp lại dao động từ ngày này sang ngày khác nhưng bạn hầu như thấy rằng bạn có khuynh hướng nói lắp hơn khi bạn mệt mỏi hay bị bệnh. Tôi ngờ rằng ấy là vì khi bạn mệt mỏi hay bị bệnh, bạn có xu hướng nói nhỏ hơn bình thường và điều này khiến tật nói lắp của bạn dễ dàng xảy ra hơn.

Hãy khắc ghi điều này trong tâm trí, lần tới nếu bạn gặp phải một ngày không vui nào đấy, hãy cố gắng tăng âm lượng giọng nói của mình lên. Có thể đó là tất cả những gì bạn cần để biến một ngày buồn chán của mình thành một ngày vui vẻ!

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008