Lao ruột

Lao ruột là tình trạng tổn thương đặc hiệu của ruột do vi khuẩn lao gây nên, bệnh thường xuất hiện thứ phát sau ổ lao khác. Bệnh có thể gặp ở cả hai giới với tỷ lệ ngang nhau ở mọi lứa tuổi. Mặc dù đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng hiện nay lao ống tiêu hóa lại có chiều hướng gia tăng trở lại, nhất là ở các nước đang phát triển, ở những người nhập cư, và ở những người nhiễm HIV...
Biểu hiện bệnh đa dạng,chẩn đoán đôi khi gặp khó khăn, điều trị nói chung còn hiệu quả như lao phổi tuy nhiên gần đây đã xuất hiện sự kháng thuốc.

1. Vị trí nào thường xảy ra tổn thương?

Lao ruột là vị trí thường gặp thứ hai sau lao phúc mạc trong lao ống tiêu hóa, chủ yếu là lao thứ phát sau lao ở các cơ quan khác. Có nhiều đường lây nhiễm vi khuẩn lao vào ruột trong đó chủ yếu là theo đường tiêu hóa ( do nuốt phải đờm, dãi, chất nhày của người nhiễm vi khuẩn lao hoặc uống sữa bò bị nhiễm vi khuẩn lao), nguyên nhân ít gặp hơn là lây nhiễm theo đường máu, đường bạch huyết, đường mật, hoặc đường tiếp giáp.

Lao ruột tiên phát chỉ xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể bằng đ­ường tiêu hoá đư­ợc khu trú ở ngay ruột, sau đó vi khuẩn lao mới xâm nhập sang các cơ quan khác nhưng rất ít gặp. Hiện nay ước tính có khoảng gần 20% bệnh nhân có miễn dịch bình thường bị nhiễm lao ruột cùng với lao phổi tiến triển và ngược lại có khoảng 25% bệnh nhân lao phổi cũng bị lao ống tiêu hóa.

Vùng hồi manh tràng là vị trí thường gặp nhất trong lao ruột do vùng này thường xuyên bị ứ trệ, đồng thời nó là nơi trao đổi nhiều nhất về nước và điện giải làm cho phần này có sự hấp thu rất mạnh và do đó ở vùng này cũng xuất hiện nhiều tế bào lympho nhất.

Vị trí thứ hai thường gặp là hỗng hồi tràng (khoảng 35% ), tổn thương ở đại tràng ít gặp hơn ( khoảng 12%), những vị trí khác thường là hiếm gặp hoặc hãn hữu gặp như trực tràng, hậu môn, ruột thừa…

2 Biểu hiện như thế nào?

Biểu hiện lâm sàng đa dạng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và thể bệnh.

Trong thời kỳ khởi phát các biểu hiện chủ yếu về là gầy sút nhanh, xanh xao, mệt mỏi, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm; Đi ngoài phân lỏng ngày 2-3 lần, phân sền sệt, thối; Đi lỏng kéo dài, dùng các thuốc cầm ỉa không có tác dụng; Có thể xen kẽ ỉa lỏng với táo bón, có khi khỏi vài ngày lại tái phát; Đau bụng: đau bụng âm ỉ, không có vị trí cố định, khi đau bụng th­ường mót đi ngoài,đi ngoài đư­ợc thì dịu đau và th­ường có sôi bụng kèm theo .

Trong thời kỳ toàn phát biểu hiện triệu chứng khác nhau tuỳ theo thể bệnh:

Thể loét tiểu tràng, đại tràng: Bệnh nhân đau bụng nhiều, sốt cao, ỉa lỏng kéo dài . Bụng hơi to, có nhiều hơi, sờ bụng không thấy gì đặc biệt. Phân loãng, mùi hôi thối, màu vàng, có lẫn mủ, nhầy và ít máu. Suy kiệt nhanh, xanh xao, biếng ăn. Có bệnh nhân sợ ăn vì ăn vào thì lại đau bụng, ỉa lỏng.

Thể to - hồi manh tràng: Bệnh nhân hết ỉa lỏng lại ỉa táo, phân lẫn máu nhầy mủ, không bao giờ phân bình thường. Nôn mửa và đau bụng. Khám hố chậu phải thấy u mềm, ấn đau di động ít.

Thể hẹp ruột: Sau khi ăn thấy đau bụng tăng lên, đồng thời bụng nổi lên các u cục và có dấu hiệu rắn bò. Sau khoảng 10-15 phút nghe có tiếng hơi di động trong ruột và cảm giác hơi đi qua chỗ hẹp, có dấu hiệu Koenig. Khám bụng ngoài cơn đau không thấy dấu hiệu gì.

3. Cần làm các xét nghiệm gì để chẩn đoán

Xét nghiệm máu: Bạch cầu lympho tăng cao, tốc độ lắng máu tăng.

Các xét nghiệm khác:

Phản ứng mantoux d­ương tính mạnh.

Tìm trực khuẩn lao trong phân: chỉ có ý nghĩa là lao ruột khi thấy trực khuẩn lao trong phân, nh­ưng không thấy trực khuẩn lao trong đờm.

X quang: chụp transit ruột (có uống geobarin), chụp khung đại tràng có cản quang, có hình ảnh: Đại tràng có hình không đều: chỗ to, chỗ nhỏ. Vùng hồi - manh - đại tràng: ngấm thuốc không đều hoặc có hình đọng thuốc nhỏ . Các ổ loét ở ruột non: là các hình đọng thuốc, cố định, tròn hoặc hình bầu dục. Hình tiểu tràng biến dạng chỗ to, nhỏ (hình ống đàn)

Nội soi bằng ống mềm có thể thấy: Các hạt lao như­ những hạt kê màu trắng rải rác trên niêm mạc. Những ổ loét nông, bờ mỏng, màu tím bầm, có thể có chảy máu ở bờ hoặc đáy ổ loét. Hoặc một khối u, mặt không đều, thâm nhiễm hết vùng manh tràng (thư­ờng làm hẹp nhiều ở lòng manh tràng, không thể đ­ưa ống soi qua được).

Kết hợp trong khi soi, sinh thiết những nơi có bệnh tích nghi ngờ tổn thương lao, để xác định bằng mô bệnh học với các tổn thương mô bệnh đặc trưng là tổn thương mô hạt thường gặp hợp lưu lại với nhau có tổ chức hoại tử bã đậu ở trung tâm và các tế bào langhans khổng lồ ở ngoại vi.

4. Điều trị như thế nào?

Chủ yếu là điều trị nội khoa, Tùy theo điều kiện có thể sử dụng các thuốc như Streptomyxin, Rimifon (INH), Pyrazinamid, Rifampyxin, Ethambutol, Ethionamid, Cycloserin, Kanamyxin, Thioacetazon. Việc sử dụng phối hợp thuốc như thế nào là tùy thuộc vào thể bệnh và giai đoạn của bệnh, nhất thiết phải có ý kiến của bác sỹ, bạn không nên tự ý dùng thuốc. Ngoài chế độ dùng thuốc cần kết hợp chế độ ăn giàu đạm và sinh tố, kết hợp các thuốc điều trị triệu chứng. Chỉ đặt vấn đề điều trị ngoại khoa khi có biến chứng thủng ruột hoặc tắc ruột.

theo http://www.benhhoctieuhoa.com

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008