Thuốc điều trị sán

Trong những năm gần đây, dường như mọi người dân mới chỉ dành nhiều sự quan tâm đến bệnh lý do giun gây ra mà quên đi bệnh lý sán gây lên. Do đó trong phạm vi bài viết này đề cập đến một vài nét cơ bản về bệnh do sán gây ra và phương thức điều trị.

1. Biểu hiện của bệnh do sán gây ra như thế nào?

Hiện có hai nhóm sán gây bệnh ở người là sán lá và sán dây, trong đó sán lá là các loài sán có thân dẹt, ký sinh và gây bệnh ở người và một số động vật, tùy theo bị trí ký sinh mà có các tên gọi khác nhau như sán là gan nhỏ, sán lá gan lớn, sán lá phổi, sán lá ruột;

còn sán dây là những loài sán có thân dẹt gồm nhiều đốt sán nối liền với nhau có thể dài tới hàng mét, có hai loài gây bệnh ở người là sán dây lợn (vật chủ phụ là lợn) và sán dây bò ( vật chủ phụ là bò), con sán trưởng thành ký sinh ở người nên người đóng vai trò là vật chủ chính; riêng với sán dây lợn nếu người ăn phải trứng sán thì có thể mắc bệnh sán ấu trùng hay còn gọi là người gạo.

Cũng giống như các bệnh lý do giun, bệnh do sán gây ra có liên quan mật thiết với đặc điểm sinh thái và tập quán sinh họat ăn uống của người dân. Vùng ngập nước và thường ăn gỏi cá sẽ dễ mắc sán lá gan; vùng nuôi lợn hay chăn thả, kết hợp ăn rau sống hoặc thịt lợn sống thì dễ bị bệnh sán lợn; hay ăn lẩu nhúng, bò tái thì dễ bị sán dây bò... triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào loài sán gây bệnh.

Nếu do sán lá gan thì thường có các biểu hiện như vàng da, viêm túi mật, viêm gan thậm chí có thể dẫn đến xơ gan.

Bệnh sán lá phổi gây ra ho nhiều, đôi khi khạc đờm lẫn máu rất dễ nhầm với lao phổi.

Sán lá ruột gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, phù nề

Nguy hiểm nhất là bệnh do ấu trùng sán lợn, tùy thuộc vào vị trí các nang sán ấu trùng ký sinh ở vị trí nào mà gây nên các biểu hiện tương ứng. Ví dụ nang sán ký sinh ở mắt thì có thể làm giảm thị lực hoặc mù, nang sán có nhiều trong não thì có thể gây động kinh...

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, yếu tố đặc điểm dịch tễ và các xét nghiệm chuyên biệt.

2. Điều trị như thế nào?

Điều trị bệnh sán hiện nay không mấy khó khăn nếu được phát hiện sớm, hiện có nhiều dược chất có tác dụng tốt và độc tính thấp hơn các thuốc trước đây. Các thuốc điều trị sán có nhiều như Flubendazol, Niclosamid, Cloroquin, Praziquantel...ở đây chỉ đề cập đến hai thuốc đặc hiệu trong điều trị sán

Praziquantel: hiện nay được coi là một thuốc điều trị sán phổ rộng, có tác dụng với nhiều loại sán, tuy nhiên cơ chế tác dụng của thuốc thì chưa rõ.tuy chưa có tài liệu nào để cập đến hiện tượng gây quái thai và gây độc bào thai ở động vật cũng như ở người, nhưng tốt nhất cũng không nên dùng thuốc cho đến khi sinh xong; tương tự thuốc bài tiết qua sữa nên cũng không sử dụng với người cho con bú, nếu nhất định phải sử dụng thì ngừng cho con bú trong thời gian uống thuốc và 72h tiếp theo sau khi ngừng uống thuốc.

Các biểu hiện không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc là chóng mặt, đau đầu, đau chân tay, đau bụng.. tuy nhiên chỉ ở mức độ trung bình hoặc thoảng qua. Điều cần lưu ý, các thuốc như phenytoin, carbamazepin, dexamethason khi sử dụng cùng praziquantel có thể làm giảm nồng độ của praziquantel trong huyết tương từ 10 – 50%.

Niclosamid: thuốc được đưa vào điều trị giun sán từ những năm 1960, nó đặc biệt có hiệu quả với các loại sán dây. Hiện tại cơ chế tác dụng của thuốc vẫn chưa biết rõ, tuy nhiên các tài liệu đều khẳng định đây là thuốc an toàn và hiệu quả.

Thuốc được chỉ định điều trị các loại bệnh do sán dây như sán bò, sán lợn cũng như một số loại sán dây khác; tuy nhiên để điều trị ấu trùng sán lợn thì praziquantel hiệu quả hơn.

Thuốc có thể được chỉ định điều trị cho cả phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú mà vẫn bảo đảm an toàn nhất là trong các trường hợp mắc bệnh sán lợn do bệnh nhân có nguy cơ cao chuyển thành bệnh sán ấu trùng. Niclosamid hầu như không gây tác dụng phụ đặc biệt nào, có thể gặp một số biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ như buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Cần chú ý, không được dùng thuốc cùng với các thuốc gây nôn vì có thể gây tình tràng trào ngược các đốt sán lên đường tiêu hóa gây tai biến mắc bệnh ấu trùng, cũng vì vậy để đề phòng tình huống này khi tẩy bằng Niclosamid nên cho bệnh nhân uống thuốc chống nôn trước đó, và sau 3 – 4h thì cho bệnh nhân uống thuốc tẩy.

(Nguồn skds.vn)

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008