Dấu hiệu và triệu chứng
- Chốc lở truyền nhiễm: là thể bệnh hay gặp nhất, bắt đầu là một nốt mụn đỏ trên mặt, thường quanh mũi và miệng. Nốt mụn nhanh chóng vỡ ra, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu. Cuối cùng vảy sẽ bong ra, để lại một vết đỏ mà không gây sẹo. Nốt mụn có thể ngứa những không đau. Trẻ không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở vùng bị bệnh. Và do rất dễ lây nên chỉ cần đụng chạm hoặc gãi vào vết mụn cũng làm cho bệnh lây sang những nơi khác.
- Chốc lở dạng phỏng: chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, gây ra những nốt phỏng nước chứa đầy dịch và không đau, thường ở thân mình, cánh tay và cẳng chân. Da xung quanh nốt phỏng đỏ và ngứa nhưng không loét. Nốt phỏng sẽ vỡ và đóng vảy màu vàng và có thể lâu liền hơn các dạng chốc lở khác.
- Mụn mủ: là thể nặng nhất trong đó nhiễm trùng thâm nhập sâu vào lớp bì. Các dấu hiệu và triệu chứng gồm:
- Những nốt mụn đau chứa đầy dịch hoặc mủ biến thành vết loét sâu, thường ở cẳng chân và bàn chân.
- Vảy dày, cứng màu vàng xám trên vết mụn.
- Sưng hạch ở vùng bị bệnh
- Vết loét liền để lại sẹo.
Nguyên nhân
Hai loại vi khuẩn hay gặp nhất gây chốc lở là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và liên cầu (Streptococcus pyogenes). Cả hai đều sống trên da và khi xâm nhập qua vết trầy xước hoặc các vết thương khác sẽ gây bệnh.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Chần đoán thường dựa trên quan sát nốt mụn trên da trẻ. Đôi khi bệnh phẩm lấy ở nốt mụn sẽ được nuôi cấy để phát hiện sự có mặt của vi khuẩn.
Điều trị
Điều trị tuỳ thuộc và tuổi của trẻ, thể bệnh và mức độ nặng, bao gồm:
- Vệ sinh. Sát trùng và giữ cho da trẻ sạch sẽ có thể giúp cho những nốt mụn nhỏ tự liền.
- Kháng sinh bôi tại chỗ như mỡ mupirocin (Bactroban)
- Kháng sinh uống. Loại kháng sinh cụ thể sẽ tuỳ thuộc và mức độ nặng của bệnh, tình trạng dị ứng hoặc những bệnh khác ở trẻ.
Phòng bệnh
Giữ cho da trẻ sạch sẽ là cách tốt nhất để tránh nhiễm trùng. Xử lý đúng cách các vết trầy xước, vết đốt của côn trùng và các vết thương khác bằng cách rửa sạch vùng bị thương để tránh nhiễm trùng. Nếu trong gia đình có người bị chốc lở, cần áp dụng các biện pháp sau để tránh lây bệnh:
- Nhẹ nhàng rửa sạch vùng bị bệnh bằng xà phòng nhẹ dưới vòi nước chảy và sau đó băng lại.
- Giặt quần áo, khăn và đồ vải của trẻ hằng ngày và không để dùng chung với người khác trong nhà.
- Mang găng khi bôi thuốc và sau đó rửa tay thật kỹ.
- Cắt ngắn mógn tay cho trẻ để trẻ khỏi cào gãi
- Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên
- Cho trẻ nghỉ ở nhà đến khi không còn lây bệnh.
Đăng nhận xét