Bệnh hen suyễn

Hen suyễn là căn bệnh mãn tính hàng đầu ở trẻ em và không ít khi các bậc phụ huynh rất lúng túng khi trẻ phát bệnh. Chính vì vậy để giúp cho cha mẹ có cách chăm sóc con tốt nhất, Sức Sống Mới đến phim trường bác sỹ Trần Quỳnh Hương, công tác tại khoa Hô Hấp 2 , bệnh viện Nhi Đồng 2, cung cấp một số thông tin cần thiết cho quý vị khán giả.

CÂU HỎI:
Được biết sơ sơ hen suyễn làm bệnh nhân khó thở, có những trường hợp nặng là không thở được nữa, nhưng cụ thể là như thế nào thì cần nhờ bác sỹ giải thích rõ hơn?

BÁC SỸ:
Quá trình thở là hít không khí có chứa nhiều oxy vào trong cơ thể và huy động khí thải thán khí (dioxyt carbon) tống ra khỏi cơ thể. Không khí vào trong cơ thể qua khí quản. Khí quản chi ra 2 phế quản gốc dẫn vào 2 phổi.

Trong phổi 2 phế quản gốc chia ra nhiều phế quản nhỏ, rồi đến các tiểu phế quản. Các tiểu phế quản dẫn đến các túi không khí gọi là các phế nang, ở đó có trao đổi oxy và thán khí.

Hen là tình trạng các phế quản nhỏ bị hẹp do viêm nhiễm mãn tính khi các phế quản nhỏ bị hẹp, không khí qua đó khó khăn do:

. Co thắt của các cơ ở thành phế quản.

. Sưng và phù nề lốp niêm mạc của phế quản.

. Tiết nhiều chất nhầy vào trong lòng các phế quản.

. Các đường thở trở thành dễ bị kích thích quá mức và đáp ứng quá mức với các yếu tố gây khởi phát cơn hen.

Kết quả dẫn đến tình trạng khó thở rất nguy hiểm, có trường hợp nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể tử vong.

CÂU HỎI:
Đúng là khi không thở được thì quá nguy hiểm, vậy nguyên nhân của căn bệnh này do đâu thưa bác sỹ?

BÁC SỸ:
Nhiều người sinh ra đã có cơ địa dễ bị hen. Thường trong gia đình có người thân cũng bị hen, chàm, mày đay, viêm mũi dị ứng… Ở người này, hen gây ra do dị ứng với bọ mạt, với bụi nhà, ở một số người khác lại dị ứng với phấn hoa, theo thời tiết.

Hen cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với một vài loại hóa chất (thí dụ SO2, NH3 hoặc một số chất khác trong môi trường sản xuất (bột mì, sợi bông…). Ngoài ra nhiễm virút, nhất là virut hộp bào hô hấp (ispiratory Syncitral virus) cũng thường là nguyên nhân gây ra hen ở trẻ em, nhất là ở các cháu trong độ tuổi còn bú mẹ. Khi người mẹ đang mang thai lại hút thuốc lá, đứa trẻ sinh ra cũng tăng nguy cơ bị hen.

CÂU HỎI:
Dấu hiệu ho và khò khè kéo dài ở trẻ có phải là dấu hiệu của bệnh hen suyễn không, thưa bác sỹ?

BÁC SỸ:
Việc chẩn đoán căn bệnh này cũng không đơn giản vì triệu chứng ho, khò khè ở trẻ khá giống với một số bệnh về đường hô hấp khác như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hay viêm phế quản dạng khò khè…, nếu không chẩn đoán đúng bệnh sẽ dẫn đến tình trạng cho trẻ uống kháng sinh chống viêm, vì thế trẻ bị tái phát khi hết thuốc.

Để chẩn đoán bệnh hen suyễn cần chú ý những dấu hiệu sau ở trẻ:

1. Có tiếng rít hay tiếng như húyt sáo khi thở ra hay những đợt thở rít tái đi tái lại.

2. Bị ho, đặc biệt về đêm và gần sáng.

3. Đêm ngủ bị thức giấc vì hay khò khè, khó thở.

4. Bị ho hay khò khè sau khi chạy giỡn, vận động nhiều.

5. Có vấn đề về hô hấp vào mùa nào đó nhất định trong năm.

6. Bị ho, thở rít hay khó thở, nặng ngực khi gặp tác nhân kích thích như lông chó, lông mèo, các hóa chất dạng xịt, bụi khói, khói thuốc lá, xúc động mạnh, khóc, cười quá mức, thay đổi thời tiết, các dạng thuốc…

7. Bị cảm nhập vào phổi tái đi tái lại hoặckéo dài hơn 10 ngày mới hết. Càng nên nghĩ đến bệnh suyễn khi gia đình hoặc bản thân trẻ có người tâhn bị bệnh có cơ địa dị ứng (chàm, mày đay, lác sữa…)

8. Nếu trẻ ngoại trừ chứng ho đi tái lại, còn lại đều mạnh khỏe bình thường, cũng nên nghĩ đến bệnh suyễn. Ngoài ra cũng có dạng suyễn không rõ ràng như sổ mũi, tái đi tái lại hoặc chỉ có tằng hắng.

CÂU HỎI:
Khi đã xác định được trẻ bị hen suyễn thì ta có cách điều trị ra sao thưa bác sỹ?

BÁC SỸ:
Trước tiên cần đưa trẻ đi cấp cứu khi: Thuốc cắt cơn không hiệu quả, hoặc hiệu quả kéo dài không lâu, trẻ vẫn thở nhanh và khó khăn, hoặc có các triệu chứng như nói không nổi, môi và móng tay hoặc chân tím tái; cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức, hõm trên xương đòn, hõm trên các xương sườn… Ngoài ra hen, suyễn là một dạng bệnh mãn tính, tuy chưa thể trị dứt hẳn được, nhưng hoàn tòan có thể kiểm sóat tốt trong hầu hết các trường hợp nếu có sự hợp tác tốt giữa thầy thuốc và người bệnh.

Để kiểm soát thành công phụ huynh cần:

- Hiểu được kế hoạch hành động về hen, suyễn. Bất cứ một nghi ngờ thắc mắc gì thì đặt ra với bác sĩ của con bạn.

- Dùng thuốc đều đặn như toa thuốc đã hướng dẫn. Bố mẹ bệnh nhân phải theo dõi sát sao việc sử dụng thuốc: đúng thuốc, đúng liều.

- Loại bỏ các yếu tố gây hen, tạo một môi trường sống không ô nhiễm nhất là khói thuốc lá do nghiện ngập hay hút thuốc thụ động.

- Định kỳ đến khám Bác sĩ để đánh giá lại bệnh, có thể tham gia Câu lạc bộ người hen, suyễn, các phòng quản lý bệnh nhân hen suyễn để được hướng dẫn, chăm sóc và nâng cao các kiến thức về hen suyễn, để sử dụng tốt một số công cụ hỗ trợ như máy đo phế dung, dụng cụ đo lưu lượng đỉnh. Tốt nhất là nên đến khám định kỳ, thầy thuốc vẫn chăm sóc con bạn, đã biết rõ độ nặng nhẹ của bệnh, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, môi trường sống của bạn.

- Bạn có thể đến thăm, khám bệnh sớm hơn dự định nếu con bạn có triệu chứng không đáp ứng với sự tăng liều thuốc như kế hoạch hành động bác sỹ đã chỉ dẫn.

- Bạn có thể có lời khuyên đúng đắn về bệnh từ bác sĩ chuyên khoa chứ không phải từ bạn bè, thân thuộc hay hàng xóm. Hen, suyễn ở mỗi người khác nhau. Lời khuyên thích hợp với người này không nhất thiết có ích cho người khác.

CÂU HỎI:
Bác sỹ còn có lời khuyên nào về chế độ ăn uống để tốt cho căn bệnh này không ạ?

BÁC SỸ:
Hen suyễn có liên quan đến các yếu tố gây dị ứng ở môi trường như khói, bụi, sơn, phấn hoa, thức ăn... Do đó, ngoài việc phòng tránh những yếu tố có thể gây dị ứng, luyện tập để nâng cao ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì chế độ ăn uống cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc kiểm soát bệnh.

Nên kiêng cữ những thức ăn có thể gây dị ứng đối với cơ địa riêng của mỗi người. Cần ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, magnesium và những acid béo Omega 3. Người ta nhận thấy việc thiếu vitamin C phối hợp với điều kiện không khí ô nhiểm làm gia tăng những trường hợp bệnh suyển, đặc biệt là đối với trẻ em.

Một số nghiên cứu thấy ở những người bệnh suyển, lượng vitamin C trong cơ thể thường ít hơn 50% so với những người bình thường. Vitamin C tự nhiên có nhiều trong các loại rau quả như cà chua, cà rốt và rau xanh như rau dền, rau diếp …

Rau quả xanh cũng có nhiều magnesium. Magnesium có tính năng cải thiện hoạt động của phổi qua tác dụng làm giãn các lớp cơ bao quanh khí quản.

Ngoài ra các nhà khoa học cũng khuyên người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm có chứa những acid béo Omega 3 như các loại cá, các loại quả hạch, mè, hạt hướng dương, dầu cá thu, dầu lanh...

Ngoài việc tăng cường sức miển dịch và một số lợi ích khác, những loại acid béo Omega 3 là một yếu tố chống viêm tự nhiên rất hữu ích cho những người có cơ địa dị ứng để ngăn chặn cơn hen và cải thiện chức năng hô hấp./

Tài liệu về bệnh hen

Tác nhân gây bệnh

theo http://thuviencongdong.org

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008