Kỹ thuật LASIK

Đây là phương pháp phẫu thuật dùng dao cắt vi phẫu tạo một vạt giác mạc mỏng có chiều dày khoảng từ 130 đến 180 micron. Sau đó vạt giác mạc này được lật lên, tia laser tác dụng trong nhu mô của giác mạc để điều trị tật khúc xạ cận, viễn hay loạn thị. Cuối cùng vạt giác mạc được đậy trở lại và kết thúc phẫu thuật. Như vậy, để có được một kết quả hoàn hảo cho phẫu thuật LASIK ngoài trình độ và sự khéo léo của phẫu thuật viên còn cần phải có đủ 2 yếu tố:

1. Dao vi phẫu để tạo được vạt giác mạc tốt.

2. Tia laser chất lượng tốt, độ chính xác cao.

Vạt giác mạc

Vạt giác mạc tốt khi bị cắt của vạt gần, điều đặn, mặt cắt phẳng đều không gợn sóng. Có hai loại: dao cắt điều khiển bằng tay và dao cắt tự động. Dao cắt càng đi với tốc độ đều đặn, chính xác bao nhiêu thì chất lượng vạt giác mạc càng tốt bấy nhiêu. Dao cắt tự động làm cho phẫu thuật LASIK trở nên đơn giản và an toàn hơn, không những giúp tạo vạt giác mạc tốt hơn mà còn giảm nguy cơ xảy ra biến chứng trong và sau phẫu thuật hơn.

Vạt giác mạc có thể có bản ở phía mũi hoặc phía trên tùy theo loại dao cắt. Theo kinh nghiệm của các phẫu thuật viên, bản vạt giác mạc phía trên có nhiều ưu điểm. Trước hết nó phù hợp với động tác chớp mắt từ trên xuống dưới theo sinh lý bình thường của mắt làm giảm tối đa nguy cơ lệch vạt. Kích thước bản có thể nhỏ mà vẫn đảm bảo sự an toàn không bị lệch vạt sau phẫu thuật khi bệnh nhân chớp mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng ít có cảm giác cộm xốn hơn sau phẫu thuật. Tiếp theo, vì đường kính vạt giác mạc lớn (ví dụ như khi dùng dao Hansatome, B&L), nên đường kính tác dụng của tia laser có thể lớn hơn thích hợp cho phẫu thuật viễn thị hay những mắt cận thị có đường kính đồng tử lớn. Ngoài ra, việc nuôi dưỡng giác mạc một phần do các mạch máu vùng rìa, vạt cắt lớn gần vùng rìa sẽ làm vết thương lành nhanh hơn.

Tia laser

Excimer là từ rút gọn của chữ excited dimer. Excimer laser có bước sóng thay đổi từ 150 đến 300 nm, hay gọi là bức xạ cực tím. Qua quá trình nghiên cứu, người ta nhận thấy excimer laser tạo bởi Argon Fluorine (ArF) bước sóng 193nm có những đặc điểm phù hợp cho phẫu thuật khúc xạ như:

- Năng lượng photon cao 6.42eVolts.
- Khả năng xuyên qua mô xung quanh thấp.
- Gây tổn thương do nhiệt nhẹ.
- 2 mặt tác dụng đều đặn.
- Không gây đột biến gen.
- Khả năng hấp thu nước mạnh.
Về mặt kỹ thuật máy laser, có 3 thế hệ:

1. Broadbeam: chùm tia thay đổi kích thước để có được chiều sâu bào màng giác mạc khác nhau ở các vị trí khác nhau. Qua kinh nghiệm của các tác giả, tần suất bị giác mạc và đảo trung tâm khi sử dụng kỹ thuật này cao hơn, trong khi tỉ lệ này khi dùng các kỹ thuật khác là rất hiếm.

2. Scanning slit: tia laser đi qua màn chắn tạo thành một khe xoay trong quá trình phẫu thuật tránh làm giác mạc quá nóng do bị tia laser chiếu liên tục. Thời gian phẫu thuật lâu hơn, nhưng biến chứng mù giác mạc và đảo trung tâm thấp hơn nhiều.

3. Flying spot: kỹ thuật tiên tiến nhất, dùng chùm tia laser nhỏ, thay đổi vị trí tác dụng trên nhu mô giác mạc để tạo được độ bào sâu mong muốn, không làm nóng giác mạc, bề mặt nhu mô giác mạc sau khi bắn laser rất đều. Do đó, những biến chứng như mù giác mạc, đảo trung tâm hầu như không thấy.

Ngoài ra một máy laser tốt còn cần phải có cấu trúc tốt để đảm bảo tính đồng nhất, năng lượng của tia laser; đèn định vị, bàn nằm cho bệnh nhân thoải mái trong suốt cuộc phẫu thuật; khoảng không gian từ kính hiển vi, ghế ngồi cho bác sĩ thao tác dễ dàng trong phẫu thuật.

CUSTOMIZED ABLATION (wavefront guided ablation, ZYOPTIX)

Customized ablation - Laser thích ứng theo cá thể là kỹ thuật mới cho phép phẫu thuật viên điều chỉnh nhiều dạng quang sai tự nhiên ẩn trong mỗi cá nhân để đạt được thị lực cao. Đây là một kỹ thuật LASIK ở cấp độ cao hơn đã được ứng dụng tại các nước, với kỹ thuật này những bệnh nhân có mức độ quang sai cao, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng thị lực sẽ được điều trị để giảm những yếu tố này, tăng chất lượng thị lực, ngoài ra sử dụng phương pháp này sẽ tiết kiệm được mô của giác mạc như vậy tạo thuận lợi cho những bệnh nhân độ cận cao hoặc giác mạc mỏng.

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008