Tật khúc xạ

Mắt bình thường:
Mắt của chúng ta hoạt động như một camera máy ảnh, mống mắt (tròng đen) điều hòa lượng ánh sáng vào nhãn cầu. Giác mạc (là cửa sổ trong suốt) và thủy tinh thể hội tụ tia sáng từ vật thể tại võng mạc ở phần sau của mắt. Người bình thường dưới 40 tuổi nhìn rõ cả xa lẫn gần.
Cận thị:
Ở người cận thị công suất của giác mạc và thủy tinh thể quá lớn so với kích thước của mắt làm cho tia sáng hội tụ ở phía trước võng mạc. Tình trạng này cho phép nhìn gần rõ nhưng những vật ở xa bị mờ hoặc không thể phân biệt được. Cần dùng một kính phân kỳ để chỉnh cho hình ảnh về đúng vị trí trên võng mạc.
Viễn thị:
Ở người viễn thị thì ngược lại, công suất giác mạc và thủy tinh thể quá yếu. Tia sáng hội tụ phía sau võng mạc. Người viễn thị nhẹ có thể nhìn rõ cả xa lẫn gần, nhưng người viễn nặng nhìn gần mờ nhìn xa cũng mờ. Cần dùng kính hội tụ để điều chỉnh cho hình ảnh về đúng trên võng mạc.
Loạn thị:
Loạn thị xảy ra khi giác mạc không phải là một hình cầu hoàn hảo, gây mờ do ánh sáng hội tụ không cân đối. Loạn thị là một tình trạng thường gặp, xảy ra khi hình dạng và độ cong của giác mạc không đều, thay vì là hình cầu hoàn hảo thì là hình quả trứng.
Hình ảnh hội tụ tại những điểm khác nhau với những hướng khác nhau, có một số hướng hình ảnh hội tụ hơn những hướng khác. Kết quả là người loạn thị thấy mờ đôi khi kèm theo biến dạng hình ảnh ở mọi khoảng cách. Những người loạn thị có thể kèm theo cận hoặc viễn. Loạn thị được điều chỉnh bằng một kính trụ.



Đeo kính gọng:
Là phương pháp cổ điển, đơn giản và rẻ tiền nhất. Tuỳ theo loại tật khúc xạ bệnh nhân sẽ được cho đeo một cặp kính phân kỳ, hội tụ, hoặc kính trụ để hình ảnh của vật thể hội tụ tại một điểm đúng trên võng mạc, và vật thể sẽ trở nên rõ ràng. Tuy nhiên có nhiều bất tiện: gây vướng víu khi hoạt động ngoài trời, chơi thể thao, khó khăn khi đi dưới mưa, hạn chế việc tham gia một số ngành nghề (diễn viên, nghệ sĩ, vận động viên, phi công, an ninh, công an . . . ), hạn chế vùng nhìn hai bên, hình ảnh bị thu nhỏ đối với người cận nặng, không đẹp về mặt thẩm mỹ. Tóm lại người có tật khúc xạ luôn luôn bị phụ thuộc kính ngày cũng như đêm.

Kính tiếp xúc (Contact lens):
Là một thấu kính nhân tạo rất mỏng, trong suốt, hình chỏm cầu được đặt áp sát giác mạc để trung hòa công suất dư hoặc thiếu của người bệnh nhằm đưa hình ảnh sự vật về đúng trên võng mạc để nhìn rõ nét. Kính tiếp xúc giải quyết được nhiều nhược điểm của kính gọng, nhưng cũng có những bất tiện: Cần phải tháo lắp mỗi ngày, cần có kiến thức vệ sinh nhất định, không phù hợp với môi trường làm việc bụi bặm. Người bệnh cũng phụ thuộc kính mọi lúc mọi nơi.

Rạch giác mạc hình nan hoa :
Những đường rạch hình nan hoa trên giác mạc được thực hiện bằng dao kim cương nhằm làm giác mạc dẹt bớt và giảm công suất để điều trị cận thị. Đây là phương pháp được thực hiện nhiều khi chưa có LASIK vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên phương pháp này hiện chỉ áp dụng cho một số trường hợp loạn thị cao đơn thuần, hoặc điều chỉnh loạn khi mổ và hầu như không sử dụng để điều trị tật khúc xạ thường quy do độ chính xác kém và không điều trị được độ cao.

LASIK (Laser Assisted in - Situ Keratomileusis):
Giác mạc được tạo hình lại bằng năng lượng Laser sau khi tạo một vạt giác mạc rất mỏng (120-160 micron). LASIK hiện là phẫu thuật được lựa chọn cho trên 95% các trường hợp phẫu thuật khúc xạ.

Thay thủy tinh thể nhân tạo:
Thủy tinh thể tự nhiên được lấy ra và thay bằng một thủy tinh thể nhân tạo với công suất phù hợp để bệnh nhân có thể nhìn rõ mà không cần đeo kính. Phẫu thuật này được thực hiện khi không có chỉ định mổ LASIK do tật khúc xạ quá nặng hoặc bệnh nhân có kèm đục thủy tinh thể.

Đặt thêm thủy tinh thể nhân tạo:
Thủy tinh thể tự nhiên vẫn được giữ lại, một thấu kính nhỏ với công suất phù hợp được đặt vào mắt bệnh nhân để điều chỉnh tật khúc xạ nặng. Phẫu thuật này được thực hiện khi không thể phẫu thuật bằng phương pháp LASIK do độ quá cao hoặc do giác mạc quá mỏng

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008