Kính điện tử giúp khôi phục hoàn toàn thị lực

Cặp kính này có khả năng tự động điều chỉnh độ nét của hình ảnh tùy theo khoảng cách cần quan sát của người sử dụng. Nhờ nó, người cao tuổi có thị lực suy giảm có thể cúi xuống đọc một tấm bản đồ nhỏ ngay trước mắt rồi ngẩng đầu lên nhìn một tấm biển chỉ dẫn cách xa hàng chục mét mà không cần bỏ kính ra.

Đa phần những người bắt đầu bước sang tuổi "mãn chiều xế bóng" đều phải dùng kính lão khi đọc sách báo. Những cặp kính này thường gây nhiều phiền hà cho người sử dụng. Khi đọc sách hoặc cần nhìn chi tiết một vật ở cự ly gần, người ta phải giương "mục kỉnh" lên và khi muốn nhìn xa ở cự ly trên 1 m, họ lại phải bỏ kính xuống. Những người này luôn phải mang kính bên mình và không ngừng tháo ra tra vào. Sự phiền toái này sẽ sớm được tháo bỏ một khi sản phẩm mới của Công ty e-Vision (Mỹ) được tung ra thị trường.

Nguyên tắc hoạt động của kính:

- Trên mép của mỗi gọng kính có một thiết bị truyền sóng hồng ngoại tới tận vật quan sát.

- Ngay lập tức, 2 luồng sóng này phản hồi và được bộ vi xử lý gắn ở một bên càng kính thu nhận.

- Bộ vi xử lý sẽ tính khoảng cách giữa vật và kính, rồi điều chỉnh chỉ số khúc xạ mắt kính để đảm bảo thu được hình ảnh rõ nét nhất. Chỉ số này sẽ được điều chỉnh liên tục.

- Mắt kính được làm bằng một loại vật liệu polymer hoặc tinh thể lỏng, có khả năng phản ứng khi dòng điện chạy qua.

Hiện tại, kính này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự định sẽ được đưa ra thị trường sau 2 năm. Như vậy, trong tương lai, các thợ sửa kính sẽ phải làm quen với công việc điều chỉnh các chương trình được cài đặt sẵn trong cặp kính, chứ không chỉ đơn thuần là thay mắt hay nắn gọng như hiện nay nữa.

Nhược điểm

Giáo sư Larry Thibos, Đại học Indiana ở Bloomington (Mỹ), người chịu trách nhiệm kiểm tra độ chính xác của mắt kính, cho rằng, sản phẩm này vẫn còn một nhược điểm. Đó là ánh sáng khi đi qua mắt kính bị suy giảm về cường độ, khiến người sử dụng nhìn mọi vật trong một môi trường ánh sáng yếu hơn. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là:

- Khi hoạt động, mắt của kính điện tử sẽ hấp thụ một phần ánh sáng vì mắt này được tráng một lớp vật liệu có khả năng phản ứng với dòng điện. Trong khi đó, các mắt kính thông thường làm từ thủy tinh hay nhựa không hề làm suy giảm ánh sáng khi đi xuyên qua.

- Kính được gắn những điện cực siêu nhỏ, thường xuyên cung cấp một dòng điện cho phép điều chỉnh các chỉ số khúc xạ. Chính quá trình này cũng hấp thụ một phần ánh sáng lọt qua mắt kính.

Hiện người ta đang cố gắng giảm thiểu mức độ hấp thu ánh sáng của cặp kính bằng cách sử dụng những hợp chất và điện cực làm từ những vật liệu cần ít ánh sáng hơn. Ngoài ra, việc tạo dáng cho cặp kính này cũng rất quan trọng. Nó sẽ quyết định khả năng chinh phục khách hàng.

Ông Duston, Giám đốc phụ trách về công nghệ của hãng e-Vision tỏ ra hết sức lạc quan. Ông nói: "Tại sao chúng ta lại không hy vọng cải thiện hơn nữa thị lực của con người để có thể đạt tới tỷ lệ 20/10? Tôi tin chắc rằng sẽ có hai đối tượng không thể từ chối điều này. Đó là vận động viên chơi golf và phi công".

KH&ĐS (Theo Courrier Int)



About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008