Dùng kháng sinh diện rộng có thể loại trừ bệnh mắt hột

Đau mắt hột là bệnh phổ biến tại các nước nghèo với hàng chục triệu người mắc bệnh mỗi năm. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần dùng một loại kháng sinh duy nhất trên diện rộng, chúng ta có thể bị thanh toán triệt để căn bệnh này.

Silvio Mariotti, chuyên gia của WHO, cho biết đau mắt hột, một bệnh truyền nhiễm mắt phổ biến, do vi khuẩn chlamydia gây ra. Vi khuẩn này được tìm thấy ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém và tấn công khoảng 84 triệu người ở 55 nước. Ở khoảng 7,6 triệu người mắc bệnh, mi mắt bị quặp vào trong mắt. Sự cọ xát thường xuyên giữa mi mắt và giác mạc có thể gây mù mắt sau một thời gian. Đối với một số nước nghèo, thanh toán dứt điểm căn bệnh này dường như là một công việc khó khăn.

Nhưng một nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng có thể loại trừ gần như hoàn toàn bệnh này nếu đại bộ phận người dân trong một cộng đồng dân cư được điều trị bệnh bằng một loại thuốc kháng sinh.

Anthony Solomon và cộng sự tại Đại học Y khoa Vệ sinh và các bệnh nhiệt đới London (Anh) đã phát thuốc kháng sinh azithromycin cho 978 người tại một ngôi làng ở Tanzania. Ngoài việc dùng thuốc kháng sinh, những người bị bệnh được điều trị định kỳ bằng thuốc mỡ.

Khi nghiên cứu bắt đầu, có 95 người bị đau mắt hột. Hai năm sau, khi kiểm tra 842 người, các chuyên gia thấy chỉ còn 1 người vẫn bị bệnh.

Nhưng trong bài viết đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine, Mariotti nhận định rằng phương pháp này có thể không thu được kết quả tại một số nơi.

"Ở nhiều khu vực dân cư, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên tới 80% và rất khó phân phát thuốc kháng sinh cho tất cả mọi người", Mariotti nói.

Mariotti cho biết nhiều nỗ lực điều trị đại trà bằng kháng sinh khá tốn kém trước đây đã mang lại những kết quả khác nhau do điều kiện vệ sinh ở các khu dân cư không giống nhau. Ngoài ra, việc điều trị như vậy tại các nước đang phát triển rất khó theo dõi và quản lý.

Việt Linh (theo Reuters)

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008