Thuốc nhỏ mắt có thể gây mù mắt

Do thói quen coi thường các bệnh về mắt, người ta vô tư chọn 1 trong khoảng 40 loại thuốc nhỏ mắt bày bán trên thị trường để dùng. Hậu quả, ''chuốc'' các chứng thiếu máu, tăng nhãn áp, thủng nhãn cầu, teo cơ... vì tác dụng phụ của thuốc.

Các loại thuốc nhỏ mắt trên thị trường

Các thuốc nhỏ mắt thông thường có nhiều dạng: dung dịch, huyền phù, mỡ hoặc crem, có tới hàng trăm hoạt chất và phụ gia khác nhau, có thể đơn chất nhưng thường là thuốc phối hợp từ 2 đến 4-5 hoạt chất. Có thể chia thuốc nhỏ mắt thành các loại:

- Nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn thường dùng: Kháng sinh chloramphenicol, neomycin, tetracyclin, azithromycin, tobramycin, framycetin, các dẫn xuất quinolon, sulfamid.

-Nhóm thuốc chống dị ứng: diphenhydramin, chlorpheniramin, naphazolin, antazolin, emedastin...

- Nhóm thuốc cường giao cảm, co mạch: phenylephrin, tetrahydrozolin.

- Nhóm thuốc corticosteroid (chống viêm và dị ứng): Dexamethason, hydrocortison, fluorometholon, prednisolon, betamethason...

- Nhóm thuốc sát khuẩn: Naborat, boric acid, glycerin, thiomertal...

- Nhóm thuốc vitamin: A, C, B1, B2, B6, E...

- Nhóm thuốc nước mắt nhân tạo, trị khô mắt: propylen glycol, polividone, dextran, polivinyl alcohol, NaCMC, Nachlorid...

Cẩn thận với một số thuốc nhỏ mắt

Trong các thuốc nhỏ mắt kể trên, đáng chú ý nhất là 3 loại là kháng sinh, các corticosteroid và các thuốc kháng histamin chống dị ứng.

Thuốc nhỏ mắt kháng sinh:

Thường bị người dùng coi thường khi sử dụng, dùng để trị nhiễm khuẩn mắt, như Chlorocid 0,4%. Thuốc được nhỏ khi bị đau mắt, đau tai và cả viêm mũi. Trong khi tôm, thịt, mật ong, cá nhiễm vi lượng kháng sinh chloramphenicol ở nồng độ nano (1/1tỷ của 1gam) đã bị loại bỏ! Tính ra, 1ml chlorocid 0,4% có đến 4.000 nanogam chloramphenicol.

Chloramphenicol có nguy cơ gây thiếu máu bất sản hay gây loạn sản máu. Không dùng nếu tiền sử suy tủy. Không dùng cho trẻ sơ sinh.

Hoặc với thuốc thuộc nhóm quinolon như ciprofloxacin, ngoài trường hợp quá mẫn, thuốc thường gây kết tủa tinh thể hoặc vảy/tinh thể, cảm giác có dị vật ở mắt, ngứa, sung huyết, sưng mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, buồn nôn, giảm thị lực.

Các thuốc kháng sinh dùng đồng thời có thể gây kháng chéo, dị ứng chéo, ví dụ chloramphenicol không dùng đồng thời với penicilin, cephalosporin, gentamicin, tetracyclin, vancomycin, sulfadiazin.

Thuốc nhỏ mắt corticosteroid:

Đây là thuốc chống viêm và dị ứng, chế bằng các biệt dược quen thuộc như chlorocid H, Neodexa, Ophtason, Poly Pred, Levodexa... Ðúng ra, thuốc nhỏ mắt corticosteroid chỉ được sử dụng theo đơn của thầy thuốc vì nó gây rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho mắt như tăng nhãn áp (glôcôm), đục thủy tinh thể, viêm giác mạc nông, loét giác mạc dai dẳng thậm chí thủng nhãn cầu, bội nhiễm, nhiễm nấm mắt, chậm lành vết thương, ức chế tuyến yên - vỏ thượng thận.

Thuốc nhỏ mắt corticosteroid còn có thể gây teo cơ và hiện tượng dội ngược tăng áp lực nội sọ khi ngừng sử dụng, nhất là dùng thuốc dài ngày và không giảm dần liều khi ngừng thuốc.

Ðặc biệt, với các học sinh mải mê với vi tính, lúc đầu dùng thuốc thấy mắt sáng ra và cứ liên tục dùng, thấy khó chịu ở mắt là dùng, đến một lúc cơ mắt teo đi, nhìn mờ dần, đi khám mắt thì đã muộn.

Thuốc nhỏ mắt có chất kháng histamin:

Đây là thuốc chống dị ứng, với các biệt dược như daiticol, daiguku, opcon A, Rohto... phối hợp với các chất khác. Những người bị đỏ ngứa mắt, xốn mỏi mắt, cay mắt do đọc sách, vi tính, gió, bụi, nhỏ một giọt cảm thấy cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc gây khô mắt keo dịch tiết. Nếu dùng dài ngày dịch tiết ở mắt keo lại sẽ khó nhìn hơn, lại càng khó chịu khi không có thuốc.

Với thuốc nhỏ mắt có chất kháng histamin, người bị tăng nhãn áp cần cảnh giác.

Loại nhỏ mắt còn gây nhức đầu, mộng mị, nhìn mờ, nhuộm màu giác mạc, khó chịu như có dị vật ở mắt, sung huyết, chảy nước mắt (emedastin). Trong các trường hợp này, chỉ nên dùng natrichlorid 0,9%.

Lưu ý:

Ngoài 3 loại thuốc nhỏ mắt trên, cũng cần chú ý tới thuốc nhỏ mắt có các chất cường giao cảm như phenylephrin, tetrahydrozolin, với các biệt dược như nydrin P, visine, spersallerg, V.Rohto... thuốc cấm sử dụng cho những người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, glôcôm, cường giáp.

Trước khi dùng thuốc nhỏ mắt (hoặc tra mắt), cần xem kỹ tên thuốc toa hướng dẫn đặc biệt với thuốc nhỏ mắt kết hợp nhiều thành phần. Cần chú ý sự ảnh hưởng toàn thân và sự tương tác giữa các thuốc nhỏ mắt với các thuốc dùng đường khác, các bệnh đang mắc phải như tăng huyết áp, glôcôm, hen suyễn, tiểu đường. Dùng thuốc mà không thấy cải thiện tình trạng bệnh cần hỏi ý kiến thầy thuốc và không dùng thuốc dài ngày nếu không có ý kiến thầy thuốc. Lại càng phải thận trọng khi dùng thuốc nhỏ mắt cho trẻ con.

Tốt nhất không nên tự động dùng thuốc hoặc mách bảo của người khác mà cần theo chỉ dẫn của thầy thuốc hoặc dược sĩ khi dùng thuốc nhỏ mắt.

Giầu hai con mắt, phương ngôn thật chí lý (không phải chỉ là giầu - nghèo). Hãy thận trọng để luôn luôn giữ cho cửa sổ tâm hồn được trong sáng.

(Theo SK&ĐS)

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008