Điều trị chứng viễn thị bằng sóng radio

Giác mạc là lớp màng trong suốt bọc bên ngoài tròng đen.

Một kỹ thuật mới mang tên CK (conductive keratoplasty) vừa được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ chấp thuận. Trong phương pháp này, người ta sử dụng năng lượng dạng sóng radio để làm teo một số vùng nhỏ của giác mạc. Vì không phải rạch hoặc cắt bỏ mô, CK ít gây tổn thương hơn so với các kỹ thuật laser hiện hành.


Thiết bị để thực hiện kỹ thuật CK gồm một ống nhỏ, mảnh hơn sợi tóc, có thể phát ra năng lượng dạng sóng radio. Ống này được áp vào vòng tròn ngoài của giác mạc. Năng lượng phóng ra sẽ làm teo một số mô ở đây và không gây bất cứ ảnh hưởng nào tới vùng giác mạc trung tâm. Phẫu thuật kéo dài khoảng 3 phút, và chỉ cần gây tê tại chỗ bằng thuốc nước nhỏ mắt. Các triệu chứng kích thích ở mắt sẽ mất đi sau 24-48 giờ.

Kỹ thuật này đã được áp dụng trên 400 bệnh nhân ở Mỹ, với độ tuổi trung bình là 58. Kết quả theo dõi trong vòng 2 năm sau phẫu thuật cho thấy, thị lực sẽ ổn định hoàn toàn sau một năm. Hầu hết bệnh nhân đều hài lòng với kết quả thu được.

Viễn thị là bệnh trong đó người ta có thể nhìn rõ ở cự ly xa nhưng bị nhòa khi nhìn gần. Bệnh thường xuất hiện sau tuổi 40, khiến việc đọc sách báo trở nên khó khăn vì chữ bắt đầu bị nhòe. Cách điều trị thông dụng nhất là đeo kính. Gần đây đã xuất hiện liệu pháp LASIK, dùng tia laser để tạo hình lại giác mạc. Kỹ thuật này thường được dùng ở những người tuổi 40, viễn thị nhưng không bị lệch trục (bệnh lý trong đó giác mạc cong không đều).

Theo bác sĩ Peter Hersh, chuyên gia mắt tại Đại học Hackensack University (Mỹ), kỹ thuật CK có thể sẽ được những người có tuổi ưa chuộng vì tính thuận tiện, đơn giản và ít gây tổn thương. Phương pháp này sẽ rất hữu ích cho những người già không thể áp dụng LASIK, như bị chứng khô mắt hoặc có lớp biểu mô bị kích thích. CK cũng có thể an toàn hơn với bệnh nhân bị bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), vì nó không đòi hỏi việc tăng tạm thời áp lực trong mắt, xuất hiện khi thực hiện kỹ thuật LASIK.

Thu Thủy (theo Reuters, HealthScout)

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008