Bệnh hiếm muộn

Infertility

Hiện nay trên thế giới, tại những xã hội văn minh, sự hiếm muộn thường xảy ra cho 1 trong 6 cặp vợ chồng.

Sống lâu ở Mỹ, nhiều cặp vợ chồng người Việt chúng ta cũng đã bắt đầu gặp khó khăn trong vấn đề muốn có con. Có thể là vì không biết, nên nhiều cặp trì hoãn, cho đến khi người phụ nữ đã quá 35 tuổi mới bắt đầu tính chuyện sinh con. Tiếc thay, theo luật tự nhiên, tỷ lệ thụ thai của người phụ nữ từ từ giảm đi sau tuổi 30, và sau 35 tuổi, tỷ lệ thụ thai thành công càng xuống dốc thật nhanh. Sau 40 tuổi, người phụ nữ sẽ rất khó thụ thai, kể cả những người được giúp bởi những kỹ thuật y-khoa tối tân nhất. Trung bình một bào thai chỉ có 30% cơ hội để bám đậu vào tử cung trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Sau 35 tuổi, tỷ lệ này là 20%, và sau 40 tuổi, chỉ còn 5%. Càng cao tuổi, trứng người phụ nữ thường càng kém phẩm chất và khó cấu hợp với tinh trùng. Hơn nữa, những bào thai tạo từ những trứng này hay bị bất bình thường và khó sống hơn được một vài tuần lễ.

Nếu sau một năm cố gắng nhưng không kết quả, cặp vợ chồng nên đi bác sĩ để tìm nguyên nhân việc chưa có con.

Nguyên nhân do đàn ông

Cả vợ lẫn chồng cần phải khám, vì 40% lý do hiếm muộn đến từ người đàn ông.

Việc khám nghiệm người nam rất đơn giản. Tinh trùng được quan sát dưới kính hiển vi trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi người nam xuất tinh. Thông thường, khối lượng của tinh khí là 2 đến 6 mL, tỷ lượng 20 triệu tinh trùng hay hơn trong mỗi mL, ít nhất 50% tinh trùng phải linh động, bơi nhanh, và, ít nhất 70% tinh trùng phải có hình dạng bình thường. Nếu cuộc khám nghiệm đầu tiên cho kết quả bất thường, ta nên khám lại lần thứ hai để xác định cho chắc chắn. Nếu tinh trùng thật sự kém về số lượng hay phẩm chất, người đàn ông nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu (urologist).

Nên tránh hút thuốc hoặc uống rượu, vì thuốc lá và rượu gây hại cho sự sinh trưởng của tinh trùng. Nên uống thêm sinh tố E (vitamin E), với lượng 400 IU (international units) mỗi ngày. Sinh tố E có tác dụng khiến những chất độc có hại cho tinh trùng giảm bớt đi. Sau ba tháng dùng, sinh tố E sẽ giúp tinh trùng dễ kết hợp với trứng hơn.

Gần đây, một sản phẩm mới trên thị trường mang tên Proxeed, có thể dùng để chữa hiếm muộn nguyên nhân do đàn ông (male infertility). Những khảo cứu cho thấy Proxeed giúp tăng cường sự trưởng thành, đậm đặc và di động của tinh trùng. Kết quả sẽ tối hảo nếu dùng chất này ngày 2 lần, mỗi lần 1 gói trong vòng 4 tháng. Giá khoảng 90 đô-la mỗi tháng, Proxeed mua được bên ngoài không cần có toa bác sĩ, và cho đến nay, chưa thấy có gây phản ứng phụ (side effects) nào đáng kể.

Nguyên nhân do người phụ nữ

Tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng



Ở người phụ nữ, việc tìm hiểu nguyên nhân hiếm muộn có phần khó hơn, vì bộ phận sinh dục của người nữ phức tạp hơn. Sự trục trặc có thể xảy ra tại buồng trứng (trứng không rụng), trong ống dẫn trứng (ống bị tắc nghẹn), trong tử cung (niêm mạc lòng tử cung quá mỏng hoặc non), hay ngay tại cổ tử cung (chất nhờn cổ tử cung cản trở sự di động của tinh trùng).

Thường, nếu buồng trứng làm việc hoàn hảo, người phụ nữ sẽ có kinh đều, cứ mỗi 26-32 ngày. Trong khoảng 90% các phụ nữ, trứng sẽ rụng vào những ngày 13 đến 16 của chu kỳ kinh nguyệt (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh vừa qua). Sau khi rụng, trứng sẽ được hút vô ống dẫn trứng và chờ tinh trùng ở đó. Tinh trùng chỉ có thể kết hợp với trứng trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi trứng rụng. Sau đó, mặt dạng của trứng sẽ thay đổi và tinh trùng sẽ không còn kết hợp với trứng được nữa.

1. Nguyên nhân từ buồng trứng:

Sự rụng trứng xảy ra khi một kích thích tố có tên LH (Luteinizing Hormone) được tiết ra từ tuyến “pituitary gland” nằm phía dưới óc (“tuyến não thùy” hay “tuyến yên”), khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt (vào ngày 14 hoặc 15). Trong vòng 24-36 tiếng đồng hồ sau khi kích thích tố LH xuất hiện trong máu, trứng sẽ được xuất ra từ buồng trứng.

Một cách giúp đoán ngày rụng trứng là dùng một hộp thử nghiệm nước tiểu (ovulation detection kit) để phát giác ngày chất LH tiết ra. (Thử nghiệm nước tiểu này mua được ở các nhà thuốc không cần có toa bác sĩ). Nên bắt đầu thử vào ngày thứ 11 của chu kỳ kinh nguyệt, lúc trưa hay chiều. Khi thẻ của thử nghiệm đổi màu, nên giao hợp ngay ngày hôm đó và ngày hôm sau.

Tóm lại, nếu kích thích tố LH được tiết ra trong giữa chu kỳ kinh nguyệt, trứng sẽ rụng. Nếu sự thụ tinh không xảy ra, hoặc thai không đậu, kinh sẽ ra trong những ngày cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt. Trái lại, nếu chất LH không tiết ra, sẽ không có hiện tượng rụng trứng, và kinh nguyệt sẽ không đến trong tháng đó. Nói cách khác, kinh nguyệt không đến đều có nghĩa là trứng không rụng đều.

Rất nhiều nguyên nhân khiến chất LH không được tiết ra giữa các chu kỳ kinh nguyệt. Những lý do thông thường nhất là sự căng thẳng tinh thần (mệt mỏi, lo âu), sa sút cân nặng, và bệnh hoạn lâu dài. Sau ngày thứ 10 của chu kỳ kinh nguyệt, nên tránh dùng những thuốc đau nhức có chất ibuprofen hay aspirin vì hai chất này cản trở sự rụng trứng.

Cách chữa bệnh hiếm muộn do trứng không rụng là dùng thuốc. Loại thuốc thường được dùng và cũng rẻ nhất ($50 một chu kỳ) là clomiphene (Clomid, Serophene). Thuốc clomiphene đã được sử dụng trên 50 năm với những kết quả khá tốt đẹp. Thuốc có tác dụng trên óc và tuyến não thùy để kích thích trứng trưởng thành và rụng.

Thuốc được uống trong 5 ngày, từ ngày 3 đến ngày 7 hoặc ngày 5 đến ngày 9 của chu kỳ kinh nguyệt. Trứng sẽ rụng trong khoảng ngày 12 đến 16. Nếu muốn biết chắc hơn ngày nào trứng sẽ rụng, ta dùng hộp thử nghiệm nước tiểu như đã nói ở phần trên. Khi thẻ thử nghiệm thay đổi màu, nên giao hợp đêm hôm đó và đêm hôm sau.

Thuốc clomiphene làm trứng rụng trong 80% số người dùng. Tỷ lệ thành công là 10% mỗi tháng. Lượng thuốc có thể được tăng lên từ 50 mg đến 200 mg mỗi ngày nếu cần. Khi dùng 200 mg clomiphene mỗi ngày song trứng vẫn không rụng, hoặc sau năm kỳ dùng clomiphene vẫn không thụ thai, ta nên thử các loại thuốc chích. Những thuốc này (Pergonal, Humagon, Fertinex...) là những kích thích tố dùng để trực tiếp kích thích buồng trứng.

Cách dùng những thuốc này rất phức tạp, thuốc lại cho những phản ứng phụ nguy hiểm, nên người dùng thuốc cần được bác sĩ theo dõi cẩn thận. Tiền thuốc khá đắt, khoảng 700-1000 mỹ-kim một kỳ dùng; tuy nhiên, các thuốc chích mang lại nhiều kết quả hơn thuốc clomiphene và thường được sử dụng trước khi phải dùng đến phương pháp thụ thai nhân tạo trong ống nghiệm (in vitro fertilization).

Tỷ lệ thành công với thuốc chích là 20% mỗi kỳ dùng, so với 10% khi dùng thuốc uống clomiphene. Thuốc chích cho tỷ lệ sinh đôi, sinh ba (multiple pregnancies) 30%, so với 5% nếu dùng clomiphene.

2. Nguyên nhân từ ống dẫn trứng:

Ngoài buồng trứng ra, bộ phận hay gặp nhiều trắc trở là ống dẫn trứng. Ống dẫn trứng có nhiệm vụ dẫn tinh trùng đến gặp trứng và ấp ủ trứng đã thụ tinh trên đường vào tử cung. Ống dẫn trứng dễ bị nghẽn sau những lần nhiễm trùng của bộ phận sinh dục.

Những bệnh truyền qua đường giao hợp (sexually transmitted diseases), hay được gọi là những bệnh hoa liễu, thường làm ống dẫn trứng sưng mủ và nghẽn tắc sau khi lành. Sau một lần ống dẫn trứng bị nhiễm trùng, tỷ lệ mang thai giảm đi 25%, sau hai lần, giảm đi 50%, và sau ba lần, thì người phụ nữ gần như không thể có thai tự nhiên được nữa.

Ngoài nhiễm trùng, việc giải phẫu các bộ phận trong bụng cũng có thể gây ra những vết thẹo dính vào ống dẫn trứng đưa đến sự tắc nghẽn. Một cách để biết xem ống dẫn trứng có bình thường hay không là chụp phim hysterosalpingogram (HSG).

Khi chụp HSG, một nước đặc biệt màu huỳnh quang (fluorescent) được bơm vô tử cung qua ngã âm đạo, trong lúc bụng dưới được chụp quang tuyến. Trên phim quang tuyến chụp ra, bình thường, ta thấy nước màu bơm vô sẽ tràn vào tử cung, lên hai ống dẫn trứng, rồi chảy vào trong bụng. Nếu ống dẫn trứng bị nghẽn, trên phim ta sẽ thấy nước màu bơm vô không qua được ống dẫn trứng để vào bụng.

HSG cũng có thể giúp phát giác các bướu, thẹo, hay hình dạng bất thường của tử cung. Nếu kết quả phim chụp HSG bất thường, bác sĩ có thể khuyên người bệnh nhập viện để khám bụng dưới bằng kính soi (laparoscopy). Qua kính soi bụng, bác sĩ cũng có thể cắt đi những thẹo gây ra sự tắc nghẽn cho ống dẫn trứng.

Nếu cả hai ống dẫn trứng đều bị nghẽn hoặc hư hoại trầm trọng vô phương cứu chữa, phương pháp thụ thai trong ống nghiệm (in vitro fertilization) là giải pháp duy nhất còn lại giúp người phụ nữ có con.

3. Nguyên nhân từ tử cung và niêm mạc tử cung:

Như đã nói trên, mỗi bào thai chỉ có 30% cơ hội để bám đậu vào lòng tử cung trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Nếu tử cung bị nhiễm trùng, hoặc nếu niêm mạc lòng tử cung không trưởng thành đúng với ngày của chu kỳ kinh nguyệt, bào thai sẽ không đậu được.

Để xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể lấy một chút niêm mạc lòng tử cung (endometrial biopsy) đem thử nghiệm. Sau ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, nên tránh dùng những thuốc chống nghẹt mũi và dị ứng (antihistamines), vì chúng hay cản trở sự đậu thai. Tuy nhiên, nếu cần quá, ta có thể dùng thuốc Tylenol hoặc Sudafed.

4. Nguyên nhân từ cổ tử cung:

Cuối cùng, song không kém phần quan trọng trong vấn đề hiếm muộn, là chất nhờn tiết ra từ cổ của tử cung. Chất nhờn này, nếu lỏng và vô sắc như lòng trắng trứng gà, sẽ rất thuận tiện cho sự di chuyển của tinh trùng, ngược lại, nếu đặc sệt và có màu trắng đục, sẽ cản trở sự xâm nhập của tinh trùng vào tử cung.

Một hai ngày trước khi trứng rụng, chất nhờn của cổ tử cung lỏng và vô màu, nhưng sau khi trứng rụng, sẽ biến thành đặc và có màu trắng đục. Nếu sự giao hợp xảy ra sau khi trứng rụng, tinh trùng sẽ khó bơi qua khỏi chất nhờn của cổ tử cung. Khi tinh trùng không qua lọt được cổ tử cung để vào bên trong tử cung, chúng sẽ bị hủy diệt nhanh chóng trong âm đạo (nhất là nếu âm đạo có huyết trắng).

Trái lại, khi vào được tử cung rồi, các tinh trùng có thể sống đến 4-5 ngày. Để chữa trị những trường hợp hiếm muộn do chất nhờn cổ tử cung gây ra, tinh trùng có thể được lọc và bơm thẳng vào tử cung (intrauterine insemination).

Tóm lại, nguyên nhân gây sự hiếm muộn rất nhiều. Rất thường khi, hai hay ba nguyên nhân xảy ra cùng lúc, nếu vậy, phải chữa tất cả những nguyên nhân này mới mong đạt được kết quả ta muốn. Vì 40% các trường hợp hiếm muộn do người đàn ông, cả vợ lẫn chồng nên cùng được thăm khám. Tuổi tác người phụ nữ có một ảnh hưởng rất lớn.

Khi quá 40 tuổi, tỷ lệ thụ thai rất thấp bất kể phương pháp chữa trị. Nên đi khám bác sĩ chuyên môn nếu không có kết quả sau hai năm cố gắng. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ tuổi đã trên 35, nên đi bác sĩ sau một năm hiếm muộn. Chớ nên để quá 40 tuổi. Cuối cùng, xin nhớ rằng mọi phương pháp chữa trị chỉ mang lại tỷ lệ thành công cao nhất là 25-30% cho mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Xin chúc quí vị sớm đạt ước nguyện.

Bác sĩ Lê Quốc Sỹ

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008