Hội chứng ngừng thở khi ngủ

Hội chứng ngừng thở khi ngủ (Sleep Apnea Syndrome, gọi tắt là SAS) là một số rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm, khi ngủ dẫn tới thiếu oxy máu (SaO2 giảm).

Bình thường, khi bệnh nhân hít vào, các cơ hô hấp co rút lại, nhất là cơ hoành co lại, làm vòm hoành hạ thấp, đồng thời cũng co thắt các cơ ở đường hô hấp trên (nhất là cơ lưỡi cằm). Khi bệnh nhân ngủ, các cơ giãn, mũi họng giảm trương lực, đường thở có khuynh hướng dễ khép lại, đóng lại. Khi ngủ trong tư thế nằm ngửa, lưỡi dễ tụt ra sau, làm đường thở trên càng bị đóng lại, gây ngừng thở. Bệnh nhân phải tỉnh giấc mới làm cho tình trạng ngừng thở chấm dứt.

Các loại SAS

- Ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ: Luồng khí thở bị cản lại ở tỵ hầu, nhưng cơ hoành và các cơ hô hấp vẫn hoạt động.

- Ngừng thở trung tâm khi ngủ: Các cơ liên sườn và cơ hoành đều không hoạt động.

- Ngừng thở hỗn hợp: Loại này là sự kết hợp cả 2 loại trên.

Dấu hiệu của SAS

Người mắc SAS, dù loại nào, đều có các biểu hiện giống nhau:

- Hay ngủ gật ban ngày.

- Tỉnh giấc nhiều lần về đêm do thiếu oxy. Đêm ngủ hay ngáy to, ngột ngạt, hay có vận động bất thường trong lúc ngủ.

- Nhức đầu buổi sáng.

- SaO2 giảm.

- Dần dần người bệnh SAS có những thay đổi về cá tính, nhân cách, khả năng làm việc trí óc, quan hệ tình dục suy giảm.

- Khám có thể thấy bệnh nhân béo bệu, huyết áp cao, tăng hồng cầu. Trẻ em có Amydan to, VA phát triển.

- Bệnh ngừng thở khi ngủ kéo dài dẫn đến huyết áp tăng, nhịp tim chậm, rối loạn nhịp. Nếu có ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì sẽ đưa bệnh nhân đến giai đoạn tâm phế mạn nhanh hơn.

Điều trị

- Cho thở thêm oxy (không dùng liên tục).

- Giảm cân nặng, tránh hút thuốc và uống rượu, không dùng thuốc an thần.

- Dùng thuốc nhỏ mũi, xịt họng chống viêm nhiễm.

- Tiêm Strychnin dưới da.

- Trường hợp nặng có thể đặt nội khí quản thở máy. Trẻ em nên cắt Amydan, nạo VA.

- Tạo hình vách mũi.

- Mở khí quản: Sử dụng biện pháp này khi bệnh nặng mà các biện pháp trên không hiệu quả, sự sống của bệnh nhân bị đe doạ

Theo Bác sĩ gia đình

Ngừng thở khi ngủ - một dấu hiệu nguy hiểm

bài đọc thêm


Ngáy to có thể là biểu hiện của chứng ngừng thở khi ngủ, căn bệnh hay gặp ở người béo phì. Bệnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thậm chí có thể gây tử vong trong một số trường hợp do làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.


Chứng ngừng thở khi ngủ chỉ được đề cập đến trong mười mấy năm gần đây. Đó là tình trạng đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi đang ngủ, gây ngừng thở và làm người bệnh thức giấc. Tại Mỹ, một nghiên cứu phát hiện ngừng thở khi ngủ xảy ra ở khoảng 4% nam giới và 2% nữ giới trong độ tuổi lao động. Còn tại Anh, nếu tính chung thì có tới 1% nam giới bị bệnh này. Bệnh hay gặp ở nam giới, tuổi trung niên.


Do bị mất ngủ nên bệnh nhân hay buồn ngủ và ngủ nhiều vào ban ngày, dễ gây tai nạn giao thông. Theo các thống kê, khoảng 20% các tai nạn giao thông là do các tài xế ngủ gật trong khi lái xe gây ra; và tỷ lệ bệnh nhân ngừng thở khi ngủ gây tai nạn cao gấp 7 lần người không bị. Ngoài ra, những người này thường mất khả năng tập trung, giảm trí nhớ, dễ cáu giận, hay đau đầu, chóng mệt... nên ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng lao động. Một số nghiên cứu lớn ở Mỹ còn cho thấy, ngừng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, bệnh lý mạch máu não, thậm chí dẫn đến tử vong trong một số trường hợp do nó gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng hồng cầu trong máu...


Ngừng thở khi ngủ xuất hiện có thể do các cơ thanh quản bị mất trương lực nên vùng hầu họng bị xẹp lại trong thời kỳ hít vào; hoặc do các bất thường về cấu trúc vùng hầu họng làm hẹp đường dẫn khí. Các yếu tố nguy cơ gồm: béo phì; bất thường về cấu trúc các cơ quan vùng hầu họng như xương hàm dưới quá nhỏ, lưỡi quá to, hoặc phì đại amiđan...; uống rượu hoặc các loại thuốc ngủ trước khi đi ngủ; tắc mũi (bị cảm lạnh hoặc mũi bị lệch vách ngăn).


Biểu hiện của ngừng thở khi ngủ là hay ngáy to, có những lúc ngừng thở và cử động chân tay nhiều trong khi ngủ.


Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng sẽ cho kết quả tốt hơn nếu áp dụng nhiều biện pháp, mà các biện pháp không dùng thuốc cần được xem xét trước. Có ít nhất 50% các bệnh nhân ngừng thở khi ngủ NTKN là béo phì, nên giảm cân là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất, cần được áp dụng đầu tiên. Nếu kết hợp giảm cân với các biện pháp điều trị khác sẽ cho hiệu quả cao hơn. Việc bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu trước khi đi ngủ và tránh dùng các thuốc ngủ... đều có tác dụng tốt. Nếu bệnh nhân là phụ nữ đã mãn kinh, việc điều trị hoóc môn thay thế sẽ làm giảm ngừng thở khi ngủ và ngáy.


Nên điều trị các bệnh lý tai mũi họng như viêm mũi, polyp mũi, lệch vách ngăn, hoặc viêm xoang... nhằm làm giảm sức cản ở đường hô hấp và hạn chế tình trạng thanh quản bị hẹp gây tắc nghẽn đường thở. Đôi khi bệnh nhân cần phải được điều trị phẫu thuật để loại bỏ các nguyên nhân này. Cần điều trị chỉnh hình các bất thường gây hẹp đường dẫn khí, chẳng hạn cắt bỏ lưỡi gà, cắt bỏ hạch amiđan nếu nó quá to, có người phải mở khí quản.


Trong tương lai, bệnh nhân ngừng thở khi ngủ có thể dùng dụng cụ nẹp xương hàm dưới. Nó được thiết kế riêng cho từng người, lắp vừa khít với các răng hàm trên và hàm dưới. Dụng cụ này đẩy xương hàm ra phía trước, do đó làm tăng diện tích vùng hầu họng, mở rộng được đường hô hấp. Các bệnh nhân sẽ đeo dụng cụ này khi đi ngủ. Hiện tại, phương pháp này mới chỉ được thử nghiệm ở một số nước như Anh, Mỹ... và cho kết quả rất khả quan.Một số bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ nặng hoặc thường xuyên có thể cần điều trị hô hấp hỗ trợ bằng các dụng cụ đặc biệt hoặc máy trợ giúp thở

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008