Ung Thư Phổi - Ung thư thường gặp nhất

Đây là loại ung thư thường gặp nhất (chiếm 13% tổng số ca ung thư) và có tỷ lệ tử vong cao nhất (18%). Tần suất ung thư phổi đang có khuynh hướng giảm nhẹ ở các nước giàu nhưng lại gia tăng đáng kể ở các nước nghèo, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư phổi là 31/100.000 dân ở nam giới và 7/100.000 dân ở nữ giới. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, không còn khả năng điều trị triệt để. Chỉ 10-20% số ca bệnh được phát hiện khi còn có khả năng cắt bỏ khối u.

Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ung thư phổi. Tuy nhiên, họ đã xác định được các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá (nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc cao hơn người bình thường đến 250 lần), hít phải nhiều khói, bụi độc hại...

Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng ung thư phổi thường rất nghèo nàn và không đặc hiệu, khiến cho việc chẩn đoán hết sức khó khăn. Ho là triệu chứng thường gặp nhất (có trong 70-90% số ca bệnh). Tuy nhiên, nó cũng xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, bệnh nhân và thậm chí cả thầy thuốc cũng ít nghĩ tới ung thư phổi khi có triệu chứng này. Ung thư phổi giai đoạn sớm cũng có thể gây ho ra máu, đau ngực, khó thở, đau khớp xương, khàn tiếng, sụt cân... nhưng các biểu hiện này ít xuất hiện.

Một trong các biện pháp phát hiện sớm căn bệnh trên là chụp X-quang phổi tìm hình ảnh bóng mờ. Tuy nhiên, nếu khối u còn nhỏ, ở vị trí khuất sau bóng tim, nó rất dễ bị bỏ sót. Hiện nay, chụp CT được xem là phương pháp cận lâm sàng hiệu quả nhất để xác định ung thư phổi và đánh giá mức độ xâm lấn của khối u. Qua đó, bác sĩ có thể xác định chính xác giai đoạn bệnh và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp.

Nếu được phẫu thuật ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi có thể đạt 40-50%. Hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi hoặc lá phổi có u vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu và hiệu quả nhất. Đây là một phương pháp an toàn, tỷ lệ tử vong do phẫu thuật là 1-5%, tỷ lệ biến chứng khoảng 5%.

Đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn (không còn khả năng phẫu thuật), tỷ lệ tử vong trong vòng 6 tháng tới một năm là 90%. Trong những trường hợp này, phương pháp xạ trị và hóa trị có thể giúp cải thiện tiên lượng và giảm bớt các triệu chứng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc xạ trị giúp họ sống thêm trung bình 9-11 tháng; tỷ lệ sống thêm 5 năm là 3-10%. Nếu thực hiện hóa trị, các tỷ lệ tương ứng sẽ là 13-14 tháng và 17%.

Để đề phòng bệnh ung thư phổi, cần bỏ thói quen hút thuốc lá. Những đối tượng có nguy cơ cao cần chụp X-quang phổi định kỳ mỗi năm. Nếu có các biểu hiện ho kéo dài, đau ngực không rõ nguyên nhân, ho ra máu..., cần đi khám ngay để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị triệt để.

TS Đỗ Kim Quế, Sức Khỏe & Đời Sống

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008