Hỏi đáp về bệnh động kinh

Câu hỏi 1: Tôi có một cháu gái nay 5 tuổi, phát hiện bị động kinh co giật toàn thể lúc 3,5 tuổi . Các cơn co giật cách nhau một tháng. Đã điều trị cho cháu được 1,5 năm bằng thuốc depakine 500mg, gần đây nhất cháu bị co giật cách đây 8 tháng, nhưng theo điện não đồ cho thấy sóng động kinh không thuyên giảm nhiều, nên Bs. đang điều trị cho cháu đã chuẩn bị đổi thuốc điều trị. Xin hỏi:

- Có nên thay đổi thuốc.
- Loại thuốc nào có ít tác dụng phụ.
Cháu cao 1m15, nặng 24kg, học tốt, thông minh, hiếu động. Trong thời gian dùng thuốc cháu lên cân, hay nhức mỏi cơ, hay giận dỗi, chụp CT scan, não cháu không bị tổn thương, cơn giật của cháu kéo dài khoảng 10’. Chúng tôi luôn phải cấp cứu, mỗi lần cháu bị, và cháu đều biết trước khi bị, dấu hiệu đầu tiên là ói và mắt bị giật.

Trả lời : Trường hợp của cháu bé anh không mô tả rõ loại cơn động kinh của bé vì việc quan trọng đầu tiên là phải chẩn đoán được loại cơn động kinh và chọn lựa thuốc thích hợp tùy theo loại cơn động kinh.việc đầu tiên hiện nay là cần xác định rõ loại cơn động kinh để trên cơ sở đó chọn loại thuốc chống động kinh phù hợp với cơn. Riêng Depakin vốn là thuốc chống động kinh có phổ tác dụng khá rộng, nếu thích hợp với cơn của cháu thì vẫn có thể tiếp tục dùng nhưng cần ở liều cao hơn (sẽ do bác sĩ quyết định).
Tất cả các thuốc chống động kinh đều có tác dụng phụ riêng của nó và việc chọn lựa thuốc ít tác dụng phụ nhất phải tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân và những tình trạng bệnh lý đi kèm.

Câu hỏi 2: Con tôi 14 tuổi , đã điều trị bằng thuốc depakine 3 năm nay (3v/ngày), và hiện nay đã ngưng điều trị. Loại bệnh của cháu là bị co giật toàn thân, chân tay co gắp, mắt trợn ngược và cơn co giật xảy ra khoảng 1 phút. Từ khi dùng thuốc cháu không còn cơn co giật nữa. Vậy trong sinh hoạt hằng ngày, cơn động kinh mới có thể xảy ra đột ngột nữa không? Và trong tương lai, bệnh cháu có thể trở lại không?

Trả lời : Tình trạng của bé hiện tại không có cơn động kinh trong ba năm và đã ngưng thuốc. Tuy nhiên khả năng cơn động kinh tái lại vẫn có thể xảy ra, điều này tùy thuộc vào bé bị hội chứng động kinh nào và nguyên nhân của động kinh là gì, ví dụ như nếu trẻ bị hội chứng động kinh giật cơ ở thiếu niên thì khi dùng thuốc thường trẻ đáp ứng rất tốt, tuy nhiên khi ngưng thuốc thì khả năng cơn động kinh tái lại rất cao. Cháu cần được tiếp tục theo dõi và tránh các yếu tố gợi cơn ví dụ như thức khuya, để bụng đói v.v…

Câu hỏi 3: Con tôi bị động kinh lúc nhỏ, đến 2-3 tuổi thì hết. Nhưng đến 18 tuổi thì bị trở lại, bây giờ đang uống Carbatol 200. Xin cho biết uống thuốc này lâu dài có tác hại gì không? Vì còn uống thuốc đến 5 năm.

Trả lời : Cháu bị cơn động kinh lúc 2-3 tuổi, do đó rất có khả năng là bị cơn động kinh do sốt (sốt cao co giật). Khi 18 tuổi thì bị cơn động kinh là do nguyên nhân khác, do vậy khi dùng thuốc nếu không có cơn động kinh thì thông thường bác sĩ sẽ tính từ lúc có cơn động kinh cuối cùng đến khoảng thời gian 2-5 năm sau thì sẽ bắt đầu ngưng thuốc thử và phải ngưng thật chậm và đúng cách. Nếu trong quá trình ngưng thuốc mà bệnh nhân bị tái phát lại cơn động kinh thì phải dùng lại thuốc.
Carbatol là một thuốc chống động kinh và là tên thương mại của carbamazepine. Thông thường thuốc chống động kinh có các tác dụng phụ trong thời gian đầu sau khi dùng, đặc biệt với trường hợp carbamazepine thì tác dụng phụ đáng ngại nhất là dị ứng da nặng. Tuy nhiên, nếu sau 10 tuần không có tác dụng phụ thì thường không có lo ngại nữa, ngoại trừ khi phải tăng liều thuốc hay khi bệnh nhân bị một bệnh khác hay dùng thuốc khác có thể gây tương tác thuốc. Một số thuốc khi dùng lâu dài có thể gây ra các tác dụng chuyển hóa như gây loãng xương, thiếu axít folic…

Câu hỏi 4: Con tôi bị động kinh lúc 5 tháng tuổi, đã đo điện não 3 lần, nhưng không phát hiện được gì. Giờ cháu được 10 tháng tuổi, đang uống thuốc depakine. Xin Bs. cho biết bệnh này có gây đau đầu hay khó ngủ không? Vì từ lúc bệnh đến giờ, khi ngủ cháu cứ trằn trọc và khóc hoài, (ban ngày cháu chơi giỡn bình thường)

Trả lời : Sau cơn động kinh người bệnh có thể bị đau đầu, tuy nhiên sau đó sẽ hết. Người ta cũng nhận thấy tỉ lệ đau đầu ở người bệnh động kinh cũng cao hơn người bình thường. Động kinh thường không ảnh hưởng đến giấc ngủ, tuy nhiên một số thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, hay khi người bệnh lo lắng quá cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số người bệnh có thể có các triệu chứng báo trước khi có cơn động kinh trong đó có một số biểu hiện liên quan giấc ngủ.
Trường hợp cháu cần được theo dõi kỹ về mặt chẩn đoán bệnh động kinh (có đúng là động kinh hay không? Tác dụng phụ của thuốc đối với cháu như thế nào, nhất là tác dụng độc trên gan).

Câu hỏi 5: Tôi bị động kinh từ năm 1996, được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Có chạy điện não và CT scan não. Kết luận rất bình thường. Trong thời gian chữa trị có lúc giảm, nhưng có lúc lại tăng lên. Hiện nay tôi đang được điều trị và lãnh thuốc tại khoa tâm thần bệnh viện Củ Chi. Khi dùng thì bệnh trạng cũng như thời gian điều trị ở Bv. Chợ Rẫy. Vậy tôi nên điều trị thế nào cho hợp lý.

Trả lời : Vấn đề quan trọng đầu tiên là cần phải có chẩn đoán chính xác loại cơn động kinh và hội chứng động kinh nào mà anh đang bị, vì nếu như dùng thuốc không phù hợp với chẩn đoán thì sẽ làm cho tình trạng bệnh không thuyên giảm mà đôi khi có thể làm nặng hơn. Nếu chẩn đoán và điều trị phù hợp mà tình trạng bệnh không thuyên giảm thì có khả năng là người bệnh bị tình trạng gọi là động kinh kháng trị nội khoa.

Câu hỏi 6: Em cháu lúc nhỏ bị sốt, thường hay bị co giật động kinh. Ở nhà chỉ điều trị cho dứt cơn, không điều trị liên tục. Đến khi lớn học bài nhiều thì động kinh bắt đầu xuất hiện sau những đợt thi. Mỗi lần động kinh em nhận ra được và báo cho gia đình biết trước. Đến năm 9 tuổi, ở nhà đưa em cháu đi trị và chần đoán tại Bv. Nhi đồng 1 điều trị được 3 năm, các cơn động kinh thưa dần và Bs. Đã ngưng thuốc. Ngưng thuốc được 6 tháng thì em cháu bị trở lại. Đi khám trở lại, Bs cho tiếp tục điều trị. Vậy em của cháu có nên tiếp tục điều trị hay không? Và điều trị bao lâu thì xong? Bệnh của em cháu có ảnh hưởng gì cho học tập sau này không? (Lúc 3 tuổi em cháu bị dừa rụng trúng đầu, ngất xỉu, đưa đi Nhi đồng 1 chụp ST scan , không thấy bất thường).

Trả lời : Em ấy có thể bị tình trạng gọi là động kinh cục bộ và một số trường hợp phải dùng thuốc kéo dài có khi là suốt đời.
Lúc 3 tuổi,bệnh nhân bị dừa rụng trúng đầu thì có thể không phải là nguyên nhân. Tuy nhiên, lúc nhỏ khi sốt hay có giật thì có khả năng bệnh nhân bị bệnh lý gọi là xơ cứng hồi hải mã.

Nếu hiện tại bệnh nhân không còn cơn động kinh, phát triển tâm thần kinh bình thường thì vẫn có thể đi học và hoạt động như một người bình thường (ngoại trừ cần lưu ý những hành động có thể nguy hiểm đến tính mạng như trèo cao, bơi lội…).

Câu hỏi 7: Nghe nói chuyện đều giọng 30 phút – 45 phút, người nghe cảm thấy chóng mặt, mệt, muốn xỉu. Có phải triệu chứng của bệnh động kinh không?

Trả lời : các triệu chứng trên không phải của động kinh.

Câu hỏi 8: Con trai tôi 14 tuổi, bị động kinh và bại não. Hiện đang dùng thuốc Rivotril (uống ¼ viên/ngày) Cháu đã ngưng cơn động kinh cách nay 9 năm. Nhưng nếu ngưng thuốc thì khoảng 2 tuần là cháu có biểu hiện gồng cứng người và 2 mắt mất hồn, nếu uống thuốc lại thì không còn triệu chứng đó nữa (ngưng thuốc theo yêu cầu của Bs. vì dự định cắt thuốc hẳn) Hỏi :
- Làm thế nào để ngưng thuốc hẳn/ có nên không?
- Hè 2006 tôi xuất cảnh. Vậy nếu không còn uống thuốc nữa mà cháu lên cơn thì sao?
- Có nên hỏi Bs. điều trị để mua thuốc dự trữ mang theo dùng lâu dài?
- Lời khuyên của Bs. dành cho chúng tôi.

Trả lời : Trường hợp của con chị tốt nhất nên tiếp tục dùng thuốc chống động kinh lâu dài. Tuy nhiên, tôi không rõ bệnh lý não của con chị là gì vì bại não chỉ là hậu quả của một bệnh lý nào đó như dị dạng phát triển não và các nguyên nhân gây ra bại não cũng là một yếu tố quan trọng để tiên lượng động kinh. Nếu không còn uống thuốc nữa mà cháu lên cơn động kinh thì phải dùng lại thuốc chống động kinh. Nếu chị đi xuất cảnh thì nên dự trữ đủ thuốc cho cháu cho đến khi cháu được các bác sĩ ở nước xuất cảnh khám và điều trị cho bé

Câu hỏi 9: Một phụ nữ 50 tuổi , bệnh động kinh, uống Dihydan và Rivotil, mỗi ngày uống 2 loại thuốc đó, về sau này có tác hại như thế nào? Có thể thay thế một phương thuốc nào tối ưu hơn? Đã đi chụp cắt lớp tại sao không phát hiện được sóng động kinh?

Trả lời : Chụp cắt lớp chỉ phát hiện các bệnh lý của não (nếu có). Muốn phát hiện được sóng động kinh thì phải đo điện não đồ, tuy nhiên không phải lúc nào đo điện não đồ cũng có thể phát hiện được sóng động kinh. Do vậy, chẩn đoán động kinh chủ yếu là dựa vào các triệu chứng lâm sàng.
Nếu dùng thuốc chống động kinh mà kiểm soát được cơn động kinh và không có tác dụng phụ quan trọng thì không nên thay bằng phương pháp khác. Khi dùng dihydan và rivotril có thể gặp một số biến chứng lâu dài như loãng xương, thiếu axit folic, thoái hóa tiểu não.

Câu hỏi 10: Bạn em bị chấn thương sọ não năm 2000 (16 tuổi), phẫu thuật khỏi. Nhưng lại bị cơn động kinh 1 năm 1 lần, bạn em không dùng thuốc điều trị gì cả, cho đến năm 2005 bạn em bị động kinh liên tục trong một tháng bị 2 lần. Đi khám, Bs bảo phải điều trị 2 năm. Nhưng bạn em muốn điều trị bằng biện pháp Y học cổ truyền. Vậy Phương pháp y học cổ truyền nào điều trị động kinh?

Trả lời : Để kiểm soát được cơn động kinh cách tốt nhất là dùng các thuốc chống động kinh. Hiện tại, chưa có phương pháp y học cổ truyền nào được chứng minh là kiểm soát được cơn động kinh. Vấn đề lựa chọn cách thức điều trị thì bạn nên để thầy thuốc quyết định và chọn lựa cho mình.


About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008