Hơi thở hôi và cách điều trị

Thường những người mắc chứng bệnh này không biết mình có hơi thở khó ưa nếu không được người khác nói cho biết. Một cuộc điều tra cho thấy, có tới 58% người được hỏi trả lời rằng đồng nghiệp của mình có vấn đề về hơi thở.

Cần thay bàn chải theo định kỳ.Cần thay bàn chải theo định kỳ
Ảnh: jupiterimages.com

Chứng hơi thở hôi không phải là mới mẻ vì từ lâu người ta đã biết nó. Nhiều nhân vật có địa vị đứng đầu nhà nước như vua Louis 14 của Pháp, trùm phát xít Đức Hitler đều có hơi thở khó ngửi. Ngay cả nam diễn viên nổi tiếng Clark Gable cũng không tránh khỏi chứng bệnh này, khiến cho cô đào Vivian Leigh khi cùng đóng phim Cuốn theo chiều gió với ông đã kêu lên sau những cảnh hôn nhau đắm đuối: “Hơi thở của Clark thật là khó chịu".


Khoảng 90% trường hợp hơi thở khó chịu có nguyên nhân ở vùng miệng. Trong khoang miệng mỗi người có khoảng 500 loài vi khuẩn khác nhau, hoạt động phân hủy của chúng tạo ra nhiều hợp chất gây hôi như hydrosulfit (thường có trong trứng thối), dimethylsulfit (có mùi cay xộc), metylmercaptan (như mùi phân), cadaverin (mùi mục rữa). Thường thì các bệnh về răng và lưỡi là nguyên nhân gây hôi miệng như sâu răng, viêm nha chu, mang hàm giả, chân răng nhiễm trùng... Một số bệnh nhân chạy tia xạ vùng đầu cổ hoặc dùng một số thuốc giảm tiết nước bọt cũng bị khô miệng, gây hôi. Mùi hôi cũng có thể xuất phát từ mũi, từ xoang hàm (viêm xoang hàm), từ tai (viêm tai giữa), từ họng (viêm họng hạt có mủ).

Một số bệnh về hô hấp và tiêu hóa cũng làm cho hơi thở có mùi khó chịu. Nếu hôi miệng kèm theo đau bụng, vùng dưới mũi ức nóng rát, ợ chua, ợ hơi thì nên nghĩ đến khả năng “hở tâm vị” (phía trên dạ dày đóng không chặt nên mùi thức ăn trong dạ dày thoát lên). Hơi thở có mùi hôi còn có ở một số người bị rối loạn chuyển hóa, bệnh gan, bệnh nội tiết, bệnh tiểu đường (mùi hôi của aceton). Ký sinh trùng đường ruột cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh này.

Việc điều trị phải tùy theo nguyên nhân. Để làm giảm lượng hợp chất bay hơi có sulfur và vi khuẩn sinh mùi, có thể áp dụng các cách:

- Đánh răng thường xuyên, nhất là sau các bữa ăn (chú ý định kỳ thay bàn chải).

- Cạo lưỡi để loại bỏ các mảng thức ăn, vi khuẩn, các tế bào thoái hóa bám trên lưỡi, chú trọng vùng cuống lưỡi.

- Cần uống đủ lượng nước hằng ngày để bảo đảm khoang miệng luôn ẩm (hạn chế nước giải khát có đường).

- Nhai kẹo cao su có tinh dầu thơm (bạc hà) vừa làm thơm miệng vừa kích thích tuyến nước bọt tiết dịch làm khoang miệng ẩm.

Các thuốc thường được dùng chữa hơi thở hôi

Listerine: Nước súc miệng giúp sát khuẩn miệng, họng, làm mất mùi hôi miệng, làm thông cổ, tạo cảm giác thoải mái. Dùng trong các trường hợp viêm miệng, viêm lợi để khử trùng răng, miệng, họng, ngăn ngừa sự hình thành mảng bám răng và chống viêm nướu. Súc miệng (không pha loãng) ngày 2-3 lần, nhất là khi ngủ dậy và lúc đi ngủ buổi tối.

Nước súc miệng T-B: Sát trùng răng, miệng; chữa viêm họng, viêm lợi, hôi miệng, khử mùi hôi của thuốc lá, thuốc lào, hành, tỏi, các chất tanh. Súc miệng với 20-30 ml/lần, ngày 2-3 lần.

Betadine Gargle Sarget: Sát khuẩn, chống nấm, làm mất mùi hôi. Súc miệng trong 30 giây, lặp lại mỗi 2-4 giờ. Chống chỉ định: Người mẫn cảm với iod, trẻ nhỏ dưới 30 tháng. Tránh dùng cùng với các thuốc sát khuẩn khác. Tương kỵ nhất với các dẫn xuất thủy ngân.

Eucanrint: Viên chứa tinh dầu khuynh diệp, bạc hà, giúp điều trị tại chỗ các nhiễm trùng vùng miệng. Khử mùi hôi ở miệng. Ngậm 8-12 viên/ngày. Có thể gây đau bụng, buồn nôn, nôn (hiếm gặp). Tránh dùng cho trẻ nhỏ tuổi.

Stomyteol: Dùng trong các bệnh về họng và miệng, hơi thở hôi. Pha một thìa canh trong 12 ly nước ấm, rửa miệng nhiều lần/ngày, có thể dùng cách 3 giờ.

Ngoài các thuốc có bán sẵn trên thị trường, có thể tự pha lấy một số dung dịch nhằm làm thơm miệng: Lấy 20 g hoa cúc cho vào 4 cốc nước, sau đó đun sôi lên thành chè hoa cúc để uống dần; xay một ít hạt cà phê và hạt bạch đậu khấu, hãm thành một tách nước uống (không sữa, đường). Cũng có thể pha 5 giọt tinh dầu bạc hà trong 1 ly nước, súc miệng hoặc nhai lá bạc hà.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008