Phong (cùi)

Bệnh phong (trước đây gọi là hủi) là bệnh lây nhưng không phải là bệnh di truyền. Bệnh do trực trùng Hansen gây ra (có tính kháng toan, kháng cồn giống trực trùng Kock gây bệnh lao). Bệnh lây qua da và niêm mạc từ người đã mắc bệnh phong, nhất là trong giai đoạn đang phát triển bệnh nên các tổn thương da và nước mũi người có rất nhiều trực trùng Hansen.

Tuy nhiên, đây là bệnh khó lây nhất là với người đã có phản ứng Mitsuda (+) (Có đề kháng với trực trùng Hansen). Thời gian nung bệnh lại rất dài, có khi đến 15 -20 năm sau mới phát bệnh. Việc điều trị bệnh phong hiện nay rất hiệu quả, khi bệnh ổn định, không còn trực trùng Hansen trên các tổn thương và trong nước mũi, có thể điều trị ngoại trú, về sống chung với gia đình được. Khi tiếp xúc với người bệnh, cách phòng tốt nhất là rửa tay bằng xà phòng “xà phòng đánh lùi bệnh phong”. Do đó, người mắc bệnh phong khi đã điều trị tốt khỏi bệnh hoàn toàn có thể lập gia đình.

Có 3 dạng bệnh phong:

- Phong bất định với các vết biến màu trên da, ranh giới không rõ rệt, mất và giảm cảm giác (châm kim không thấy đau, hơ lửa không biết nóng).

- Phong củ là dạng phong cơ thể đã có đề kháng. Củ nổi trên da, bờ gồ lên có ranh giới rõ rệt, ở giữa da có khuynh hướng lành. Củ là nơi có rối loạn cảm giác (mất cảm giác đau và nóng). Các dây thần kinh nâng to lên, nổi cục như tràng hạt thấy rõ ở thần kinh trụ (khuỷu tay) và thần kinh hông khoeo ngoài (ở đầu xương mác). Có các rối loạn cảm giác, phân ly thống nhiệt ở các đầu ngón tay. Có các rối loạn dinh dưỡng làm teo các cơ trong bàn tay, giống bàn tay khỉ, có dạng vuốt trụ ở hai ngón tay cuối, thủng và chảy nước ở gan bàn chân. Bệnh tiến triển (nếu không điều trị tốt) đi đến cụt các ngón tay, ngón chân.

- Phong ác tính là dạng phong mà cơ thể mất đề kháng với trực trùng Hansen. Phản ứng Mitsuda (-). Đây là dạng bệnh toàn thân, các tổn thương phong, củ nổi lên ở mặt, các chi, thân mình, ranh giới không rõ rệt. Viêm mũi do phong làm hủy hoại vách mũi, có thể có tổn thương ở thanh quản, hạch, gan, lách. Mặt có thể sần sùi biến dạng như mặt sư tử khi bệnh đã tiến triển nặng.

Điều trị bằng các sulfone (DDS) sunfamide (Sultirene, Madribon), Rifampicine. Trường hợp (hủi) phong củ, sau khi khỏi lâm sàng phải điều trị 18 tháng nữa, còn đối với phong ác tính cần điều trị kéo dài vô thời hạn.

Có thể phát hiện sớm bệnh phong ở các trung tâm da liễu: bằng các vết biến màu ở da có rối loạn cảm giác (châm kim không đau, hơ lửa không biết nóng) và các xét nghiệm khác.

BS LƯU MẠNH TÙNG - Chuyên khoa II, Nội khoa

Nguyên nhân - Phương pháp điều trị

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ:

Bệnh phong do vi trùng Mycobacterium Leprae. Đây là bệnh rất khó lây và có thời gian ủ bệnh kéo dài, nên rất khó xác định bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở đâu và khi nào. Trẻ em thường dễ nhiễm bệnh hơn người lớn.

Bệnh phong có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, nhưng có hai dạng thường gặp là: dạng Tuberculoid – phong củ và dạng Lepromatous – phong u, từ mỗi dạng này lại chia ra nhiều thể khác nhau nữa. Cả hai dạng trên đều gây tổn thương da, nhưng thường thì dạng phong u gây những tổn thương nặng nề hơn, tạo thành những cục u lớn ngoài da khiến bệnh nhân có bộ dạng méo mó, dị dạng.

Thực tế thì cả hai dạng bệnh đều gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên (nhất là các chi), làm bệnh nhân mất cảm giác ngoài da và yếu liệt các cơ từ từ. Chính việc mất cảm giác này mà bệnh nhân phong thường xuyên bị các chấn thương vào tay và chân, dần dần mất hẳn bàn tay hoặc bàn chân của mình.

Bệnh phong có thể gặp ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc vùng ôn đới, nhiệt đới và vùng cận nhiệt. Trung bình khoảng 100 trường hợp bệnh mới được phát hiện hằng năm tại Mỹ. Hầu hết các bệnh nhân này ở phía Nam, ở California, Hawii, và các đảo của Mỹ.

Từ khi có các thuốc điều trị hiệu quả, thì việc cách li bệnh nhân phong không còn cần thiết. Tuy nhiên, ngày này các thuốc này lại đang thiếu dần, làm gia tăng đáng kể số lượng bệnh nhân mắc bệnh phong, và gây được sự quan tâm trên toàn thế giới.

Triệu chứng
Bệnh sử :
- Có tiền căn tiếp xúc với bệnh nhân phong hoặc trong gia đình có bệnh nhân phong.
- Sinh sống hoặc lui tới vùng dịch tễ của bệnh phong.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm :
- Có những vùng da nhạt màu, giảm nhạy cảm với cảm giác sờ, cảm giác nhiệt (nóng) và cảm giác đau.
- Các tổn thương ngoài da không lành sau nhiều tuần
- Giảm hoặc mất cảm giác ở bàn tay, cánh tay hoặc bàn chân, cẳng chân.
- Yếu cơ, biểu hiện bằng nhiều triệu chứng ví dụ triệu chứng ngón chân bị chúc xuống dưới khi bệnh nhân nhấc chân lên bước đi.

Các xét nghiệm:
Phân tích vùng da bị tổn thương có thể giúp Bác sĩ phân biệt phong u hay phong cùi. Tuy nhiên đây không phải là xét nghiệm để chẩn đoán.

Lấy vùng da tổn thương nhuộm kháng acid để cố định vi khuẩn, sau đó soi dưới kính hiển vi tìm vi khuẩn phong.

Điều trị
Dưới đây là các loại thuốc được dùng để điều trị phong :
* Dapsone
* Rifampin
* Clofazimine
* Ethionamide

Aspirin, prednisone, hoặc thalidomide dùng để kiểm soát tình trạng viêm (ví dụ viêm phong hồng ban dạng nút).

Tiên lượng:
Phát hiện sớm được bệnh rất quan trọng, bởi vì việc chữa trị sớm có thể hạn chế rất nhiều tổn thương cho cơ thể, trả lại cho bệnh nhân một cơ thể không có nhiễm trùng và một cuộc sống bình thường.

Biến chứng:
Tổn thương thần kinh suốt đời
Biến dạng ngoại hình của bệnh nhân.

Lời khuyên của nhân viên y tế:
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bạn thấy mình có những triệu chứng kể trên, nhất là sau khi bạn nghi ngờ mình đã tiếp xúc với vi trùng gây bệnh Phong. Hiện nay mỗi quận, huyện đều có chương trình chống phong của Quốc gia. Nếu nghi mình bị phong bạn hãy đến khám bác sĩ hay đến những trung tâm chuyên khoa như bệnh viện da liễu.

Phòng bệnh:
Phòng bệnh bằng cách tránh tiếp xúc với bệnh nhân phong chưa được điều trị. Với những bệnh nhân đã điều trị lâu dài thì không còn khả năng lây bệnh nữa.
Theo BSGĐ

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008