Viêm da mủ, phổ biến nhất là chốc và nhọt, là tình trạng nhiễm trùng da do vi trùng sinh mủ gây ra. Hai loại vi trùng hay gặp là liên cầu trùng và tụ cầu khuẩn vàng. Bệnh tiên phát khi xảy ra trên da có vẻ bình thường (có thể có những xây xát rất nhỏ), còn bệnh gọi là thứ phát nếu xảy ra trên da có tổn thương từ trước như chàm (một loại bệnh da dị ứng), bỏng, vết thương do tai nạn, cào gãi…
Đây là một loại bệnh ngoài da khá phổ biến, hay gặp ở những người vệ sinh kém, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật; hay xảy ra vào mùa hè với thời tiết nóng ẩm và có thể lan thành dịch ở trẻ em.
Biểu hiện của bệnh
Chốc tiên phát :
Trên da nổi những mụn nước hoặc bóng nước nhỏ, xung quanh có quầng đỏ. Lúc đầu chứa dịch trong, sau đó thành mủ đục. Mụn-bóng nước mau chóng vỡ, chảy ra mủ, đóng mài màu vàng nâu như màu mật ong.
Các tổn thương chưa lành thì mọc thêm tổn thương khác tương tự trên vùng da gần đó. Trong thời gian bệnh, bé vẫn chơi như bình thường, không sốt. Có thể thấy ngứa.
Hay xảy ra ở trẻ em, vào mùa hè. Bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác, nhất là ở các bé kém vệ sinh, thiếu dinh dưỡng
| |
Chốc thứ phát : trên vùng da bị tổn thương sẳn có, vi trùng sinh mủ phát triển và gây bệnh. Da vùng tổn thương đó sưng đỏ nhiều hơn, đau, có mủ, đóng mài dầy nâu vàng
| |
| |
Nhọt : Một hoặc nhiều cục sưng đỏ, sờ nóng và bóp rất đau; thường ở mặt, da đầu, mông, nách ; lúc đầu các cục này cứng, sau đó mềm dần và vỡ, chảy ra mủ và có ngòi vàng. Chú ý nếu nhọt mọc ở vùng mũi và môi trên thì tuyệt đối chúng ta không được đụng vào vì vi trùng có thể đi vào não.
Bệnh thường gặp ở những người nghiện rượu, suy dinh dưỡng, mặc đồ chật hoặc nghề nghiệp thường xuyên gây cọ xát, bít tắc vùng da nào đó. Nhọt ở trẻ em thường hay tái phát
Diễn tiến của bệnh Nếu nhẹ, ít tổn thương và được chăm sóc vệ sinh tốt thì bệnh sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể có biến chứng, gây nên hậu quả nặng nề như tổn thương thận, tróc da toàn thân, hoặc vi trùng xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng ở bộ phận khác của cơ thể…
Điều trị
Bệnh nhẹ (1-2 tổn thương) : chỉ cần chăm sóc tại chỗ hằng ngày.
Dùng bông gòn sạch, thấm nước muối hoặc thuốc tím pha loãng thành màu hồng lợt, đắp trên tổn thương cho sạch mủ. Rồi bôi lên đó các dung dịch màu sát trùng (xanh milian, đỏ eosin …) hoặc kem kháng sinh có bán trên thị trường
Thực hiện như trên 2 – 3 lần mỗi ngày. Không được thoa kem hay pommade có corticoid và không được băng kín
Nếu nhiều tổn thương : nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách. Thầy thuốc có thể kết hợp chăm sóc tại chỗ và kháng sinh đường toàn thân
Phòng bệnh
Vệ sinh thân thể: tắm sạch với xà phòng. Không được tắm ở sông, suối, ao, hồ nhiễm bẩn
Cẩn thận tránh gây tổn thương da. Khi da trầy xước nhẹ (không chảy máu)
thì chúng ta rửa sạch bằng nước muối, sát trùng bằng oxy già, cồn…
Nếu có vết thương sâu hơn thì phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc đúng cách.
Khi mắc các bệnh da khác, phải giữ tổn thương sạch sẽ và nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.
Chăm sóc dinh dưỡng bằng cách ăn đầy đủ chất, đặc biệt là chất đạm và các sinh tố có trong các loại thịt và rau quả. Giảm ăn ngọt ở những người bị nhiễm trùng da tái phát.
Đăng nhận xét