HO RA MÁU - Cấp cứu thực hành

Bài viết tương đối dài, mời bạn click vào "tiêu đề" hoặc "đọc thêm..." để xem toàn bộ bài viết

I/ NGUYÊN NHÂN:
1. Ở PHỔI

1.1. Lao phổi: là nguyên nhân thường gặp nhất. Nên làm các xét nghiệm đờm, tìm vi khuẩn lao, chiếu và chụp Xquang phổi, làm phản ứng bì để tìm phản ứng của cơ thể với lao. Nên nghĩ tới nguyên nhân lao, nếu người bệnh có sốt âm ỉ kéo dài, toàn trạng suy sụp dần, và húng hắng ho ra đờm lẫn máu.

1.2. Các bệnh nhiễm khuẩn gây tổn thương ở phổi.

- Viêm phổi

- Áp xe phổi.

- Cúm.

- Xoắn khuẩn gây chảy máu vàng da.

1.3. Các bệnh khác của đường hô hấp.
Giãn phế quản, ung thư phổi, kén sán chó ở phổi (rất ít gặp), sán lá phổi, nấm phổi (actinomycoses, aspergilloses), bướu hơi ở phổi.

Ta cần phải theo dõi lâm sàng, xét nghiệm đờm, làm các phản ứng sinh vật dặc biệt, chiếu chụp Xquang phổi và phế quản để chẩn đoán nguyên nhân ho ra máu được chính xác.

2. NGOÀI PHỔI.

2.1. Bệnh tim mạch:

- Các bệnh làm tăng áp lực tiểu tuần hoàn. Ví dụ xẹp van hai lá, suy tim trái do cao huyết áp: người bệnh ho ra máu kèm theo khó thở, có khi lên cơn hen tim, phù phổi cấp. Không nên chẩn đoán vội vàng nguyên nhân ho máu trước khi khám toàn diện bệnh, nhất là tim mạch.

- Tắc động mạch phổi: người bệnh đau ngực nhiều hoặc ít, có ho ra máu đỏ thẫm, mạch nhanh, sốt nhẹ. Có thể có phản ứng màng phổi. Rivalta dương tính. Chụp phổi có thể thấy hình mờ tam giác nếu tắc một nhánh nhỏ. Tắc động mạch phổi hay xảy ra ở những người có tổn thương ở tim, ở những người đẻ, người mới mổ, người nằm lâu do điều trị bệnh mạn tính, người bị ung thư phổi.

- Vỡ phồng quai động mạch chủ: thường gây ra ho máu rất nặng đưa tới tử vong…

2.2 Bệnh về máu: các bệnh làm thay đổi tình trạng động máu có thể gây ho ra máu: suy tuỷ xương, bệnh bạch cầu, bệnh máu chảy lâu, v.v… ho ra máu ở đây chỉ là một triệu chứng trong bệnh cảnh chung.

II/ CHẨN ĐOÁN:
- Diễn tiến khó biết trước, cần được theo dõi tại BV (hoặc xe cấp cứu).
- Nếu số lượng máu ra nhiều, phải vận chuyển nhanh bằng xe cấp cứu có trang bị.
- Máu đỏ, có bọt ra sau cơn ho, nguyên nhân có nhiều (phổi, phế quản, bệnh van tim, phình động tĩnh mạch phổi).
- Biến chứng nguy hiểm nhất là ngạt thở do sặc máu.
- Đôi khi trụy mạch do mất nhiều máu.

III/ CÁC ĐỘNG TÁC CẦN LÀM NGAY:
1. Cho BN nằm tư thế Fowler ở nơi yên tĩnh, ít ánh sáng, hạn chế nói, ít di chuyển, ăn lỏng, nhẹ.

2. Cho BN 1 ống nhổ sạch, có nắp.

3. Sơ bộ tìm nguyên nhân: lao phổi, áp xe phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, nhồi máu phổi. Chụp phổi tại giường, nghe tim, ghi điện tim.

4. Chuẩn bị dụng cụ để can thiệp khi cần thiết:
- Bộ đặt ống nội khí quản.
- Bóng Ambu.
- Máy hút và các ống thông.

5. Xác định mức độ nặng nhẹ:
- Nhẹ: lượng máu ít, dưới 100ml/24h, mạch, huyết áp bình thường.
- Trung bình: lượng máu dưới 200ml/24h mạch hơi nhanh, huyết áp bình thường không có suy hô hấp.
- Nặng: lượng máu nhiều trên 200ml/24h, hoặc lượng máu trung bình nhưng tổn thương phổi nhiều. Có suy hô hấp, trụy mạch.

IV/ XỬ TRÍ:
TẠI CHỖ:
- Động viên, giải thích cho BN và người nhà BN.
- Uống diazepam 5mg, codein 0,02-0,04g.
- Transamin hay exacyl (acid tranexamique) 500mg ngày uống 3-4 lần hoặc dung dịch 5-10% 500-1000mg tĩnh mạch hay tiêm bắp ngày 1-2 lần.

Ở BỆNH VIỆN:
A. Thuốc:
- Thở oxy mũi.
- Đặt kim truyền TM.
- Nếu mất nhiều máu: truyền máu; Pitressin (20đv/ml) tác dụng trong 1 giờ; truyền TM 0,2-0,4 đv/phút tăng dần đến khi có đáp ứng (nhưng cũng dưới 1đv/phút). Hoặc Glypressin (terlipressine) lọ 1mg tác dụng trong 4-6 giờ, tiêm tĩnh mạch 1mg/4giờ, tăng dần liều đến 1,5mg nếu cân nặng trên 50kg. Chú ý: không tiêm ra ngoài tổ chức dưới da.
- Tiến hành soi phế quản để tìm tổn thương nếu vẫn chảy máu nhiều và đặt ống NKQ bên không chảy máu.
- Tổn thương lao cũ hay chảy máu: hạch vôi hóa khích thích hoặc nấm. Có thể dùng trasamin thay glypressin.

B. Hồi sức:
Morphin 0,01g tĩnh mạch.
Đặt ống nội khí quản nếu có dấu hiệu ngạt thở.
Hút đờm, máu.
Thông khí nhân tạo.
Nếu máu vẫn ra nhiều, đưa ống nội khí quản vào bên trong phế quản lành để đảm bào thông khí (Vt thấp 4-5ml/kg).

C. Xử trí nguyên nhân:
1. Nhồi máu:
Dùng heparin 5000đv/4giờ.
Nếu nhồi máu động mạch lớn: luồn ống thông kiểu Fogarty lấy cục máu đông nhưng cũng cần chú ý đến các nguyên nhân gây nhồi máu phổi.
- Bệnh van tim.
- Bệnh tâm phế mạn.
- Bệnh huyết khối.
Cũng thường có thêm nhồi máu thận, lách, mạch treo… làm bệnh nặng thêm.
Và tình trạng tăng đông do: nằm lâu, dùng thuốc lợi tiểu mạnh, mất nước.

2. Áp xe phổi:
Nếu tái phát nhiều lần phải xem xét vấn đề phẫu thuật.

3. Phình động tĩnh mạch phổi:
Chụp ĐM phổi tìm địa điểm, rồi thông tim làm tắc (embolisation).

4. U phổi:
Xem xét chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008