Thế nào là rối loạn tuần hoàn não?
Não được tưới máu bởi hai nguồn động mạch não: Hệ động mạch cảnh trong, tách từ động mạch gốc tận cùng với động mạch não trước và động mạch não giữa; Hệ sống nền hình thành từ 2 động mạch gai sống trước thành thân nền. Và tận cùng là động mạch sau não. Hệ thống các mạch máu bảo đảm sự tưới máu được đều khắp giữa hệ cảnh và hệ sống nền, giữa động mạch cảnh và ngoại động mạch cảnh trong... sao cho não được hoạt động tốt nhất.
Người bình thường lưu lượng máu (tưới máu não là 55ml máu/100g não/phút), khi lưu lượng máu não đến não quá thấp (dưới 20ml/100g/phút) thì não sẽ bị thiếu máu (rối loạn tuần hoàn não). Hoạt động tim mạch bảo đảm hoạt động tưới máu não, nhất là huyết động học. Độ quánh của máu, lòng động mạch ảnh hưởng nhiều tới dòng chảy trong các mạch máu. Những stress trong cuộc sống hằng ngày cũng là yếu tố tác động tới việc xuất hiện căn bệnh này.
Các biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não
Rối loạn tuần hoàn não hay còn gọi là thiểu năng tuần hoàn não, ở giai đoạn đầu có thể bù trừ, sau đó chuyển sang giai đoạn mất bù với cơn thiếu máu não thoáng qua. Những biểu hiện như mỏi tay chân ở một bên người, có cảm giác tê bì, co giật ở chi, hoặc đang nói chuyện người bệnh dừng lại không nói được, hay đột nhiên có người đi ngoài đường không nhớ đường về nhà... Những rối loạn này nếu không được điều trị sớm sẽ tiến triển nặng hơn nếu trong người có sẵn các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch...
Tai biến mạch máu não là biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não cấp tính, là loại bệnh vừa có tính kinh điển vừa có tính chất thời sự của y học trên toàn thế giới. Những biểu hiện thường thấy là sự đau đầu dữ dội, hôn mê, nôn và buồn nôn, liệt chi, méo tiếng, mất tiếng, xuất huyết não (ở các vị trí đặc biệt như chảy máu não thất, chảy máu tiểu não), nhồi máu não... người bệnh rất dễ tử vong trong trường hợp này.
Rối loạn tuần hoàn mạn tính là tình trạng thiếu máu não mạn tính với các bệnh cảnh sa sút trí tuệ ở người già, đau đầu, chóng mặt...
Rối loạn tuần hoàn não còn được chia theo vị trí tổn thương như ở vùng não bán cầu, vùng trán, vùng thái dương, vùng chẩm, vùng thân não, tiểu não...
Các rối loạn tuần hoàn não ít nhiều đều có phù não, gây ra các rối loạn về tâm lý, như người bệnh dễ nóng giận, buồn vui, hay quên, thậm chí không gọi tên được người thân ngồi trước mặt. Các rối loạn khác có thể gặp nữa là rối loạn thần kinh thực vật (cảm giác nóng bừng bừng, toát mồ hôi, nghẹt thở, lạnh các ngón chi, nổi da gà...), rối loạn kích thích, rối loạn đại tiểu tiện...
Những yếu tố dẫn đến rối loạn tuần hoàn não
Các bệnh mạn tính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra chứng bệnh này, đó là bệnh tăng huyết áp, xơ cứng mạch não, tình trạng lắng đọng mỡ, đường trong máu, các bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, suy thận mạn...
Sự thay đổi về thời tiết, khí hậu, thời sinh học cũng là một yếu tố nguy cơ của rối loạn tuần hoàn não. Nghiên cứu của một số bác sĩ thần kinh học ở Việt Nam cho thấy tai biến mạch máu não phát triển vào tháng 8, tháng 12 và tháng 1 tại Cần Thơ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long; ở Hà Nội thấy tai biến mạch máu não xảy ra vào tháng 2, 3 và 10, 11 (liên quan đến mùa lạnh, gió mùa đông bắc). Về thời sinh học, con người có 2 thời khắc dễ gặp rủi ro về tuần hoàn não nhất là vào thời điểm từ 4-5 giờ sáng và 5-6 giờ chiều.
Các yếu tố xã hội: Đó là thói quen, tập quán sinh hoạt, kiến thức phổ thông và bệnh tật. Hiện nay có nhiều người không biết số đo huyết áp của mình, một số lại rất thờ ơ với hiện tượng đau đầu, mỏi chi. Tình trạng dùng rượu, bia, nghiện thuốc lá là điều kiện thuận lợi cho chứng rối loạn tuần hoàn não. Xu hướng thừa cân, béo phì, ít vận động làm gia tăng bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch tác động xấu đến rối loạn tuần hoàn não. Những người dưới 40 tuổi cũng có thể bị mắc bệnh do stress từ áp lực công việc, xã hội nặng nề.
Phòng bệnh như thế nào?
Những người có biểu hiện bệnh cần được đi khám sức khỏe kịp thời, những người có nguy cơ cần được đi thăm khám sức khỏe định kỳ, điều này không chỉ phát hiện và điều trị sớm rối loạn tuần hoàn não mà còn nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Việc chẩn đoán bệnh phải được đánh giá qua hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng kết hợp với các phương tiện thăm dò chức năng thần kinh. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc dùng cho bệnh cảnh này nhưng đây là một bệnh cảnh có thể liên quan đến nhiều bệnh khác, do vậy việc điều trị phải do bác sĩ chuyên khoa thần kinh chỉ định và phải tuân theo những chỉ định đó thì bệnh mới tiến triển tốt được.
Nhận thức rõ những yếu tố nguy cơ là yêu cầu quan trọng cho việc phòng bệnh, không nên hút thuốc lá, sử dụng nhiều bia, rượu, cần vận động cơ thể hằng ngày, kiểm soát đường máu, tránh các yếu tố gây stress. Đối với người cao tuổi và những người mang sẵn nhiều nguy cơ nên khám sức khỏe thường xuyên, thận trọng với những giờ đỉnh của huyết áp nhất là vào buổi sáng.
PGS.TS. Nguyễn Chương (Tổng Thư ký Hội Thần kinh học Việt Nam)
Đăng nhận xét