Bài Tập Số 20: Nói Bằng Cả Thân Thể

Bài viết tương đối dài, mời bạn click vào "tiêu đề" hoặc "đọc thêm..." để xem toàn bộ bài viết

Tầm Quan Trọng của Ngôn Ngữ Cử Chỉ

Bài tập này cũng khá giống với bài tập trước nhưng nhấn mạnh thêm về phần kỹ thuật. Trong bài tập trước, bạn rèn luyện cử động thân thể trong khi nói để cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn trong môi trường giao tiếp của bạn. Bạn cũng đã thấy rằng việc cử động thân thể có thể thu hút sự chú ý của người nghe ra sao.

Bây giờ bạn sẽ biết làm thế nào việc cử động thân thể có thể thật sự truyền tải ý nghĩa và làm cho sự giao tiếp có hiệu quả và thú vị hơn. Quả thật, lời nói không phải là phương tiện duy nhất làm cho người ta hiểu bạn được.

Trong vài tình huống, ngôn ngữ cử chỉ có thể thay thế sự truyền thông bằng lời nói: lắc đầu có nghĩa là “Không” hay “Tôi không đồng ý.” Cứ gật đầu liên tục có nghĩa là “Ừ” hay “Tôi tán thành.” Chỉ cần chỉ tay vào chai cam ép thôi cũng đủ gợi ý cho bạn bè hay người thân của bạn lấy giùm bạn chai nước ấy. Thỉnh thoảng, bạn chỉ cần hướng mắt nhìn về một hướng nào đó là người ta cũng có thể hiểu bạn.

Tuy nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp, ngôn ngữ cử chỉ được dùng cùng lúc với sự truyền thông bằng lời nói. Nó làm cho việc thông tin trở nên sống động hơn và được diễn tả tốt hơn. Ấy là cách tối ưu để thu hút sự chú ý và đảm bảo khiến người nghe lắng nghe bạn.

Nháy mắt

Hãy nháy mắt và quan sát phản ứng của người nghe. Có lẽ người nghe sẽ cười và nháy mắt lại với bạn. Bạn cảm thấy thế nào? Bạn không thích thú với loại giao tiếp không lời này sao? Nó khiến bạn cảm thấy vui vẻ và thoải mái và người nghe bạn cũng cảm thấy như thế. Cả hai đều cảm thấy thư thái và điều này khiến việc truyền thông sẽ dễ dàng hơn và hiện tượng nói lắp sẽ ít xảy ra hơn.

Ý nghĩa của việc nháy mắt là gì? Nó thường ngụ ý bạn đang có tâm trạng vui và bạn cảm thấy vui khi ở cùng người đó. Ấy là điều mà người ta thường không nói ra bằng lời nhưng qua cái nháy mắt như thế người ta sẽ hiểu dễ dàng và nhanh hơn. Ấy cũng minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của ngôn ngữ cử chỉ: nó khiến bạn nói lên điều gì đó nhanh hơn, thoải mái hơn và phù hợp hơn.

Hãy Nói Bằng Đôi Tay và Qua Khuôn Mặt của Bạn

Hãy cố gắng dùng thân thể bạn càng nhiều càng tốt trong khi bạn nói chuyện. Hãy diễn tả những điều bạn nói bằng đôi tay. Có phải bạn đi câu cá vào cuối tuần và muốn người đồng nghiệp của bạn biết con cá nó to thể nào? Tôi nghĩ bạn biết đôi tay và các cơ mặt của bạn cần phải làm gì. Hãy quan sát người nghe khi người ấy xoe mắt nhìn. Thật vậy! Người ấy đã hiểu được thông điệp: con cá cực kì lớn.

Hãy chắc rằng bạn cử động cơ mặt cách hiệu quả đương khi nói. Hãy cười nếu bạn muốn cười, nhăn mặt nếu bạn không hài lòng, và mở to mắt cho thấy bạn đang ngạc nhiên thể nào. Hơi nhíu mắt hay lắc đầu nếu bạn cảm thấy khó hiểu điều người khác đang cố gắng giải thích.

Có rất nhiều thứ bạn có thể thể hiện qua khuôn mặt, cái đầu và đôi tay của bạn để làm người khác hiểu bạn hơn và để truyền thông với họ. Hãy cố gắng dùng chúng càng nhiều càng tốt và hãy để ý điều đó khiến việc truyền thông hiệu quả và thú vị hơn thể nào mỗi lần làm như vậy. Hãy để ý bạn cũng cảm thấy thoải mái hơn ra sao.

Cố gắng ít nhất một lần trong ngày bạn làm người ta hiểu mình mà không cần dùng lời nói. Mục tiêu là không phải tránh nói chuyện để tránh việc nói lắp. Ngôn ngữ cử chỉ thuần tuý không thể thay thế ngôn ngữ bằng lời. Mục đích của việc này là nhận ra sự truyền thông không lời có thể đạt hiệu quả như thế nào. Mục đích là khiến bạn trở thành một người truyền thông có kết quả. Bạn nghĩ sao khi bạn nhìn thấy ai đó chỉ đơn giản dùng ngón tay út mà có thể khiến người khác hiểu mình? Có lẽ bạn nghĩ rằng người này quả là một nhà truyền thông đại tài. Đây là một kỹ thuật mà bạn có thể làm chủ cách dễ dàng cho dù bạn vẫn còn nói lắp. Một khi bạn nắm vững kỹ thuật này, người khác sẽ nhìn bạn như người truyền thông giỏi, bạn sẽ lấy lại tự tin và điều này khiến bạn ít nói lắp hơn.

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008