DỊ ỨNG Ở DA

Da là nơi dễ xảy ra phản ứng và biểu hiện sớm nhất, dễ nhận thấy nhất khi dị ứng với thuốc và hóa chất. Mọi người có thể bị dị ứng thuốc, nhưng dễ bị hơn cả là người có cơ địa dị ứng.

Tất cả các loại thuốc đều có thể gây dị ứng nhưng hay gặp nhất vẫn là các nhóm thuốc như: kháng sinh (Penicillinie, Ampicilline, Streptomicine...), Sulfamide (Sulfamide chậm, Ganidan...), thuốc hạ sốt giảm đau (Aspirin, Paracetamol, Decolgel...), thuốc an thần, động kinh (Gacdenal, Tegretol...).... Dị ứng thuốc được phân thành hai loại: dị ứng nhanh (tức thì - sốc phản vệ...), dị ứng chậm (nhiễm độc da dị ứng thuốc).

DỊ ỨNG NHANH :

Dị ứng nhanh có thể gây ra sốc phản vệ, phù quincke, mề đay, bệnh huyết thanh, trong đó đáng sợ nhất là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời ngay tại chỗ, người bệnh sẽ bị tử vong.

* MỀ ĐAY : là bệnh thường gặp sau khi dùng thuốc vài ngày hoặc hằng tuần. Bệnh xuất hiện đột ngột, có tính chất cấp tính, ngứa, dát, nổi sẩn phù mầu hồng hoặc đỏ rải rác khắp cơ thể. Lúc đầu, các sẩn có thể to bằng hạt ngô, đầu ngón tay. Sau đó, các sẩn này có thể liên kết với nhau tạo thành từng đám có kích thước lớn hơn, có khi bằng lòng bàn tay hoặc to hơn, chiếm cả một vùng của cánh tay, cẳng tay, lưng, ngực...



Bệnh nhân ngứa nhiều các sẩn này xuất hiện ở trên da, niêm mạc toàn cơ thể, nếu tổn thương ở vùng chung quanh các hốc tự nhiên như: miệng và bộ phận sinh dục làm phù nề, có khi gây biến dạng. Sẩn phù xuất hiện ở thanh quản làm phù thanh môn, thanh quản, gây khó thở, có khi dẫn đến suy hô hấp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể làm người bệnh tử vong. Ngoài những biểu hiện chính ở da, có thể có những biểu hiện khác như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, sốt, mệt mỏi khó chịu.

* PHÙ QUINCKE : là biểu hiện chính ở vùng bán niêm mạc, niêm mạc và thần kinh. Tổn thương ngoài da rất đa dạng, khu trú sâu ở hạ bì, kích thước thường lớn hơn sẩn của mề đay (đường kính >2cm), ranh giới không rõ; mầu sắc có thể hơi hồng (không đỏ), trắng ngà hoặc mầu da bình thường. Sẩn phù này xuất hiện nhanh nhưng mất đi chậm sau 1-2 ngày hoặc phải điều trị mới hết. Đặc biệt là bệnh nhân không ngứa và không đau.

Các sẩn phù thường mọc ở chung quanh khớp, chung quanh các hốc tự nhiên như: mắt, mũi, bộ phận sinh dục... và các đầu tứ chi. Có khi xuất hiện sẩn ở niêm mạc của đường tiêu hóa gây các triệu chứng đau bụng, niêm mạc đường hô hấp làm khó thở, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Toàn thân có thể sốt, mệt mỏi, đau khớp, buồn nôn, tiêu chảy... Tiến triển nhiều đợt dai dẳng.

Có rất nhiều nguyên gây bệnh phù quincke, có thể do dị ứng thuốc, hóa chất, thức ăn (dị ứng type I, II) hoặc do thiếu hụt yếu tố ức chế miễn dịch qua trung gian tế bào, tăng tiết cholin, axehyl choline ho...

DỊ ỨNG CHẬM :

Cơ chế sinh bệnh là do lắng đọng phức hợp kháng nguyên - kháng thể tại màng tế bào gây ra tổn thương viêm các tổ chức biểu hiện bệnh là nhiễm độc da dị ứng thuốc. Nguyên nhân gây bệnh có thể do thuốc hoặc hóa chất... Thuốc có thể là kháng nguyên hoặc bán kháng nguyên (hapten). Các hapten này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với protein của cơ thể trở thành kháng nguyên thực sự.

Biểu hiện của bệnh rất đa dạng và phong phú, ở nhiều bộ phận khác nhau nhưng hay gặp nhất và dễ nhận thấy nhất là các tổn thương ngoài da. Ngứa xuất hiện sớm nhất sau khi dùng thuốc, hóa chất hoặc thức ăn... một vài giờ cho đến vài ngày, hoặc có khi sau hằng tuần. Khởi đầu ngứa ở đầu tứ chi, mi mắt, sau đó nhanh chóng lan ra vùng khác và ngứa toàn thân. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 38-390, sốt kéo dài, toàn thân mệt mỏi, đau đầu, có khi rối loạn tiêu hóa, nặng hơn nữa có thể bị rồi loạn chức năng gan và thận (xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu; xét nghiệm máu có creatinin, urê, SGPT và SGOT tăng cao) hoặc có hạch to gan lách.

* THỂ BỆNH NHẸ : Tổn thương ngoài da đơn thuần chỉ là ngứa, hoặc ban đỏ, hoặc là các sẩn, mụn nước hoặc đám đỏ da, đôi khi có thể biểu hiện viêm da bong vảy hoặc hồng ban nút (tổn thương là các nút nằm sâu dưới da mầu hồng, ấn vào đau, có khi rất đau) hoặc có khi biểu hiện ngoài da lại là một bệnh cảnh viêm mao mạch dị ứng, hoặc loét niêm mạc (niêm mạc miệng, niêm mạc bộ phận sinh dục.. .), rụng tóc, teo hoặc tách móng...

* THỂ BỆNH NẶNG : Đó là nhiễm độc da thể bọng nước đơn thuần, nhiễm độc da thể bọng nước xuất huyết. Biểu hiện ngoài da chủ yếu là các bọng nước (trong bọng nước có chứa dịch trong), bọng nước xuất huyết (trong bọng nước có chứa dịch mầu nâu đỏ), kích thước to nhỏ khác nhau xuất hiện rải rác khắp cơ thể. Ngoài tổn thương ở da còn có tổn thương các cơ quan nội tạng, dễ bị tổn thương nhất là gan và thận, đôi khi dẫn đến suy chức năng gan, thận.

* HỒNG BAN ĐA DẠNG : là một thể bệnh của nhiễm độc da dị ứng thuốc chậm. Lúc đầu người bệnh có cảm giác nóng rát ngoài da, sau đó xuất hiện tổn thương ngoài da. Tổn thương ngoài da rất đa dạng như rát đỏ, sẩn mề đay, bọng nước, mụn nước có khi rải rác, rời rạc, đôi khi các tổn thương tạo thành đám, đặc biệt có những đám nhìn như hình bia bắn hoặc hình huy hiệu, rải rác khắp người. Bệnh nhân có thể mệt mỏi, sốt nhẹ, môi khô, lưỡi bẩn, kém ăn... Bệnh tiến triển từng đợt (2-3 tuần/đợt) và tái diễn nhiều lần.



*HỒNG BAN CỐ ĐỊNH NHIỄM SẮC : là tổn thương ngoài da, thường xuất hiện ở vùng bán niêm mạc và các đầu tứ chi. Thương tổn lúc đầu là đám da đỏ kích thước bằng đồng xu hoặc to hơn, có thể có bọng nước xuất hiện ở trên đám da đỏ này, sau khi bọng nước vỡ đóng vẩy và khi bong vẩy để lại một dát thâm; đám da sẫm mầu này tồn tại rất lâu, có khi hằng năm hoặc lâu hơn nữa. Nếu cơ thể gặp lại kháng nguyên bị dị ứng này (thức ăn, thuốc uống hoặc hóa chất...), bệnh tái phát, biểu hiện ngoài da sẽ bị đúng ở vị trí lần trước bị tổn thương, những lần bị tổn thương sau sẽ to hơn lần trước về mặt kích thước và nhiều hơn về mặt số lượng.

Vị trí hay gặp là da và bán niêm mạc ở chung quanh mắt, miệng, cằm, mặt, quy đầu, âm hộ..., các đầu xa của tứ chi như: khớp ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thuốc, thuốc hay gặp như: biseptol, sulfaganidan, nhóm tetracycline, paracetamol, chloroquine...

* HỘI CHỨNG STEVEN JOHNSON : thể bệnh này chỉ có tổn thương chủ yếu ở niêm mạc, tổn thương chính là các bọng nước ở niêm mạc các hốc tự nhiên như niêm mạc miệng, mắt, bộ phận sinh dục... Tổn thương ở mắt nếu không được đều trị và chăm sóc đúng, kịp thời, có thể xảy ra những biến chứng như dính cùng đồ mắt làm góc nhìn bị hạn chế hoặc loét giác mạc, làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù. Người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi và kém ăn hoặc không ăn được. Do vậy cần có chế độ chăm sóc phù hợp để bảo đảm dinh dưỡng cho đầy đủ.


* HỘI CHỨNG LYELL : thể bệnh đặc biệt nặng của nhiễm độc da dị ứng thuốc, đây là tình trạng hoại tử thượng bì tối cấp và có tổn thương nhiều phủ tạng, toàn trạng rất nặng, người bệnh rất dễ bị tử vong. Trước đây, tỷ lệ tử vong ở thể bệnh này gần tới 100%. Hiện nay, y học phát triển, người bệnh đã được điều trị kịp thời và chăm sóc một cách khoa học, chu đáo nên đã được cứu sống.
Bệnh xuất hiện sau khi dùng thuốc một vài giờ hoặc vài ngày. Khởi đầu, trên da thấy xuất hiện các đám da đỏ, lúc đầu nhỏ và rải rác trên cơ thể, sau đó liên kết với nhau thành những đám đỏ da lớn và trải rộng khắp người, các bọng nước nhanh chóng xuất hiện trên đám da đỏ đó. Các bọng nước này nhăn nheo, nhanh dập vỡ và khi vỡ để lại những mảng da nhăn nhúm như bị xé rách từng miếng hoặc có đường nứt như bỏng lửa, hoặc nhìn như vỏ khoai lang luộc. Lúc đầu, thương tổn ở một vùng nhỏ rồi nhanh chóng lan ra toàn bộ cơ thể.

Bệnh nhân trong tình trạng thiếu nước, môi khô, nứt nẻ, dấu hiệu nikolsky dương tính. Toàn trạng bệnh nhân rất nặng: sốt cao, vật vã hoặc li bì, có khi hôn mê. Tình trạng nhiễm trùng hoặc nhiễm độc có thể thấy ở hội chứng Lyell này. Ngoài những tổn thương nặng nề ở ngoài da, còn có các tổn thương cơ quan nội tạng khác như viêm gan, viêm thận, có ure và men gan tăng cao trong máu, có khi bệnh nhân trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Lyell là một hội chứng rất nặng, tỷ lệ tử vong cao.

ĐỎ BAN TOÀN THÂN DO THUỐC :

Thể bệnh hay gặp của nhiễm độc da dị ứng thuốc, da toàn thân đỏ như tôm luộc, không còn vùng da lành. Da đỏ từ nếp gấp lan ra toàn thân. Trên vùng da đỏ có vẩy, vẩy mỏng như vẩy phấn, ở lòng bàn chân và lòng bàn tay vẩy dày, sau đó vẩy bong như hình lột bít tất. Người bệnh sốt cao và ngứa nhiều. Ngoài dấu hiệu đỏ da và bong vẩy, các rối loạn khác có thể như hội chứng gan, thận, tiếu hóa.
dị ứng Cotrimoxazole!


PHƯƠNG PHÁP XỬ TRÍ KHI NGHI BỊ DỊ ỨNG THUỐC :

- Ngừng ngay tất cả các thuốc nghi ngờ bị dị ứng và không bao giờ được dùng (uống, tiêm, bôi...) loại thuốc này hoặc các thuốc cùng nhóm với thuốc bị dị ứng.

- Đưa người bệnh đến khám tại bệnh viện chuyên khoa da liễu hoặc các phòng khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng.

* THUỐC BÔI NGOÀI DA :

- Tùy thuộc vào các thể bệnh mà cho thuốc điều trị thích hợp (da đỏ, ban đỏ, vẩy da, bọng nước, mụn nước).

- Mắt, niêm mạc, da...

* TOÀN THÂN :

- Bù nước và điện giải khi có biểu hiện mất nước và rối loạn điện giải bằng truyền dung dịch.

- Corticoid (1-2mg/kg hoặc liều cao hơn): bằng đường tĩnh mạch hoặc uống.

- Kháng Histamin tổng hợp.

- Kháng sinh chống bội nhiễm phải chọn nhóm kháng sinh ít bị dị ứng.

- Khi có rối loạn chức năng gan, thận cần cho thuốc lợi tiểu và thuốc bảo vệ tế bào gan...

- Chế độ chăm sóc hợp lý và dinh dưỡng rất cần thiết và quan trọng trong những thể bệnh nặng, đặc biệt là hội chứng Stevens-Jonhson, hội chứng Lyell...

PHÒNG BỆNH :

* Đối với người bệnh :

Cẩn thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là đối với những người có cơ địa dị ứng. Cần sử dụng thuốc theo chỉ định và lời khuyên của thầy thuốc, không tự mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị. Không bao giờ được dùng lại thuốc đã nghi bị dị ứng. Khi cần tiêm hay truyền nên đến các cơ sở y tế để có đủ điều kiện và phương tiện chống sốc phản vệ.

* Đối với thầy thuốc :

Cần khai thác tiền sử dị ứng thuốc khi có chỉ định điều trị kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm.

Cần tuyên truyền hướng dẫn cho người bệnh cách sử dụng thuốc an toàn và hợp lý, dùng thuốc theo đúng chỉ định, đúng và đủ liều lượng theo đơn.

Phải ghi lại tên thuốc đã gây dị ứng cho người bệnh và hướng dẫn người bệnh không được dùng lại thuốc đã bị dị ứng.

(Theo http://diendanykhoa.com)


About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008