Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc (VDTX) là tình trạng ngứa, viêm ở thượng bì và trung bì do tác động của các chất gây dị ứng hoặc kích ứng từ môi trường bên ngoài tiếp xúc vào da. Tỉ lệ VDTX khác nhau tuỳ từng vùng, từng châu lục, song dao động trong khoảng 1,5 – 5,4%. ở Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2006, Viện Da liễu quốc gia thống kê thấy VDTX chiếm 3,4%/ tổng số người đến khám.

Các vị trí tổn thương da do tiếp xúc

Nhóm người có nguy cơ cao bị VDTX là nội trợ, y tá, công nhân xây dựng, thợ làm đầu, thợ cơ khí, người làm vườn, nông dân, thợ nạo vét...tỉ lệ bệnh có thể đến 15%.



Đa số tác giả cho rằng VDTX có 2 loại chính. Đó là VDTX do dị ứng (Allergic contact dermatitis) (ACD) và VDTX do kích ứng (Irritant contact dermatitis) (IAD), trong đó phần lớn VDTX là do kích ứng (75%), VDTX do dị ứng ít gặp hơn. Ngoài ra còn có VDTX do ánh sáng: gồm VDTX do dị ứng ánh sáng (Photoallergic contact Dermatitis) và VDTX do nhiễm độc ánh sáng (Phototoxic Contact Dermatitis), mày đay tiếp xúc.


Sau đây xin đề cập đến VDTX do dị ứng và VDTX do kích ứng.


Các biểu hiện của VDTX


- Viêm da tiếp xúc kích ứng là nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp viêm da trong công nghiệp, bao gồm:


+ Loại cấp tính Thường xảy ra sau một lần tiếp xúc không có giai đoạn nhạy cảm trước đó với các hoá chất mạnh như acid, kiềm…(kích thích tiên phát). Viêm da khởi phát nhanh sau vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc. Tổn thương xuất hiện tại vị trí tiếp xúc với chất kích ứng, giới hạn rõ. Biểu hiện có thể nhẹ như cảm giác châm chích, rát bỏng, da khô căng hay biểu hiện nặng như đỏ, phù nề, đau, mụn nước, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử. Thương tổn thường lành nhanh sau vài ngày hoặc vài tuần.


+ Loại mạn tính là loại thường gặp nhất. Xuất hiện sau vài tuần, vài tháng, có thể vài năm tiếp xúc với chất kích thích nhẹ như chất tẩy rửa, xà phòng, alkalis, dung môi, dầu công nghiệp, chất mài mòn...Vùng da tiếp xúc có hiện tượng tích lũy xuyên thấm và phá huỷ sâu làm tan chất sừng đưa đến viêm mạn tính ...(kích thích tích lũy). Vị trí điển hình là “bàn tay và cẳng tay” với biểu hiện da đỏ, bóc vảy, nứt nẻ, ngứa lichen hóa, giới hạn không rõ với da lành, dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát. Bệnh rất thường gặp ở nữ công nhân giặt, công nhân nhà máy xà phòng hay các bà nội trợ. Các yếu tố thuận lợi là cọ sát, sang chấn, độ ẩm thấp, v.v...


- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Là bệnh xảy ra khi tiếp xúc với một chất mà trên khắp bề mặt da đã chịu một biến đổi đặc hiệu đối với chất đó trước đấy vài tuần hay vài tháng, vài năm... lúc đầu không gây ra triệu chứng, nhưng do tiếp xúc nhiều lần có thể gây thương tổn da. Khi có tái tiếp xúc với kháng nguyên đặc hiệu sẽ kích thích tăng sinh rất nhanh các tế bào T đã hoạt hóa, giải phóng chất trung gian hóa học, di chuyển các tế bào T độc gây ra phản ứng chàm trên da vùng tiếp xúc. Giai đoạn này xảy ra 48-72 giờ sau khi tiếp xúc và chỉ cần 1 liều nhỏ dị nguyên đã đủ kích thích phản ứng viêm.


Biểu hiện bệnh có thể cấp tính như ngứa, đỏ, phù, mụn nước dạng chàm, lan tỏa vượt quá vùng tiếp xúc hay mạn tính như ngứa, đỏ, trợt da, bong vảy, lichen hóa, giống VDTX kích ứng mạn tính.


Các tác nhân gây tiếp xúc


- Các dị nguyên gây VDTX dị ứng nhiều vô kể. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hoá chất đều là dị nguyên cũng như không có một dị nguyên nào nhạy cảm với tất cả mọi người. Sự nhạy cảm phụ thuộc vào tính chất tự nhiên của hoá chất và nồng độ của chúng; vào sự phơi nhiễm tự nhiên, gen nhạy cảm và tính đặc ứng của mỗi cá thể. Một số dị nguyên thường gặp là: nikel (khuyên tai, kẹp tóc, vòng cổ...); crom (ximăng, da thuộc, găng tay lao động...); cao su (găng cao su, bao ngón tay, ủng, giày...)...


- Các dị nguyên còn có thể từ súc vật (lông vũ, lông thú, da thuộc...) hay cây cỏ (chất độc cây thường xuân, cây báo xuân, tỏi...). Trên thế giới có khoảng 10.000 loại cây có thể gây nên VDTX dị ứng. VDTX có thể gây ra bởi vật phẩm sử dụng hàng ngày như kem đánh răng, nhẫn, vòng đeo tay...


- Các chất hay gây VDTX kích ứng là các chất kiềm, axít, chất tẩy rửa, chất bảo quản, chất khử mùi...


Các vị trí VDTX liên quan đến các tác nhân gây bệnh


Vị trí tổn thương


Thường xuất hiện ở mi mắt; dái tai; cổ; trán; rìa tóc; mặt; miệng; quanh miệng; nách; cổ tay; cẳng tay; bàn tay; bàn chân; mu chân; vùng hở;


Các tác nhân nghi ngờ


Chất sơn móng; mỹ phẩm; trang sức kim loại có nickel; nước hoa; thuốc nhuộm tóc; keo xịt tóc; thuốc uốn tóc; dầu gội; Hương liệu; chất bảo quản có trong mỹ phẩm; thuốc đánh răng; kẹo cao su; son môi; chất khử mùi chống hôi nách; đồng hồ; trang sức kim loại; xà phòng; chất tẩy rửa; găng tay; tiếp xúc nghề nghiệp; giầy: do cao su; nhựa dán; crome trong da thuộc; viêm da tiếp xúc do ánh sáng mặt trời, lưu ý đến các chất tăng nhạy cảm với ánh sáng.


Điều trị VDTX


* VDTX kích ứng:


+ Ngừng ngay tiếp xúc với các tác nhân nghi ngờ.


+ Nếu đã biết tác nhân gây bệnh, loại bỏ các chất dư­ thừa trên da bằng cách rửa nư­ớc hoặc dùng các chất trung hoà, nhất là trư­ờng hợp VDTX gây ra do các hoá chất mạnh.


* Điều trị chung:


· Đắp dung dịch jarish, nư­ớc muối sinh lí hoặc nư­ớc thuốc tím loãng.


· Dùng thuốc bôi có corticoid, kháng histamine tổng hợp.


· Tr­ường hợp VDTX nặng có thể dùng corticoid đường toàn thân.


Phòng bệnh VDTX


- Loại bỏ các chất kích ứng hoặc dị nguyên tiếp xúc đã biết.


- Dùng kem bảo vệ thích hợp


- Tránh tắm rửa quá mức để giữ lớp bảo vệ tự nhiên của da.


- Hạn chế dùng xà phòng, chất tẩy rửa.


- Thường xuyên bôi kem làm ẩm, nhất là sau khi làm việc để chống nứt, khô da, tránh sự xâm nhập của các chất kích ứng.


- Dùng găng thích hợp khi làm việc trong môi trường có chất kích ứng. Nên dùng các loại găng để không cho hóa chất hay dung môi xuyên thấm vào da.


- Tư vấn nghề nghiệp thích hợp.


TS Hà Anh Minh

(Theo Báo sức khỏe và đời sống)


About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008