Ngộ độc rượu

Rượu, bia là sản phẩm do chính con người tạo ra và đã có chỗ đứng từ rất lâu trong lịch sử xã hội loài người. Sử dụng rượu bia đúng cách và thích hợp đem lại cho con người những tác dụng tích cực về mặt tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và đời sống được nâng cao, thói quen ăn nhậu và lạm dụng rượu bia cũng ngày càng gia tăng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1/3 dân số thế giới có sử dụng rượu, trong đó 77 triệu người lạm dụng rượu. Lạm dụng rượu bia không chỉ gây hậu quả cho cá nhân những người uống rượu, gia đình họ mà còn để lại nhiều hậu qủa cho xã hội.

Điều rất đáng lưu tâm là những tiêu cực của việc lạm dụng uống bia rượu có tác động hết sức nghiêm trọng tới các hoạt động xã hội nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực ATGT nói riêng.Theo một công trình nghiên cứu rất công phu về tác dụng sinh lý của rượu bia đã cho thấy: Hệ số tăng nguy cơ gây tai nạn tỷ lệ thuận với độ cồn trong máu.

Khi nồng độ cồn đạt 0,16 - 0,2g/1lít máu thì phản xạ bắt đầu giảm; khi độ cồn ở mức 0,2 - 0,3g/ 1lít máu điện não bị ức chế, ước lượng sai về khoảng cách và tốc độ; từ 0,3 - 0,8g cảm giác lâng lâng, phản ứng cử động bị ức chế kéo dài; ở mức 0,8 - 1,5g, rối loạn phản xạ,...

1. Cơ chế tác động của ethanol

Cho đến nay người ta vẫn chưa thống nhất, chưa phát hiện được thụ thể đặc hiệu của ethanol. Ethanol dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hoá, 80% được hấp thu ở ruột non. Loại đồ uống, nồng độ rượu, và sự có mặt của thức ăn cũng làm thay đổi tốc độ hấp thu.

Nếu dạ dày rỗng, nồng độ đỉnh của ethanol đạt được sau uống là 30 - 60phút. So với nam giới, phụ nữ có nồng độ đỉnh đạt được cao hơn sau khi uống cùng một số lượng rượu.

Chuyển hoá chủ yếu tại gan, chỉ 2-15% ethanol được đào thải qua hơi thở, nước tiểu và qua da dưới dạng không đổi. Sau uống, nồng độ ethanol có thể đạt mức trên 100mg/dL, nồng độ này giảm khoảng 15 -30mg/dL/h.

Có 3 hệ enzym trong gan chuyển hoá ethanol, đặc biệt hệ alcohol dehydrogenase là quan trọng nhất, bình thường khi uống ít rượu, hệ này chuyển hoá trên 80% ethanol. Sự khác nhau về enzym alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase do di truyền có vai trò làm cho một số người dễ bị nghiện rượu hơn.

Ethanol la một chất ức chế TKTW, nồng độ tác dụng chung tương quan với biểu hiện ngộ độc. Vì chức năng vỏ não ở phần trên bị ức chế trước nên ban đầu thường có giai đoạn kích thích nghịch thường do thoát các ức chế về mặt xã hội đã học được.

Với người không dung nạp được rượu, với nồng độ 150mg/dL hoặc hơn có thể gây ngủ lịm, mất điều hoà, nồng độ 250mg/dL có thể hôn mê và tử vong với nồng độ trên 450mg/dL. Người uống rượu kéo dài, để có các triệu chứng này cần có nồng độ cao hơn. Với liều cao, ethanol như là một thuốc mê, ức chế TKTW, rối loạn các chức năng tự động (tụt huyết áp, hạ thân nhiệt), hôn mê, và tử vong do ức chế hô hấp, truỵ tim mạch.

2. Biểu hiện lâm sàng như thế nào?

Bệnh nhân biểu hiện các mức độ rối loạn ý thức khác nhau: kích thích, sững sờ, hôn mê.

Mùi ethanol trong hơi thở nói chung thường có nhưng không phải trong tất cả các trường hợp.

Ngộ độc nhẹ và vừa: nói ngọng, mất điều hoà, rung giật nhãn cầu.

Nôn thường có ở những người ít uống rượu.

Trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng dễ bị hạ đường máu nhất, đường máu có thể hạ tương đối thấp.

3. Thái độ xử trí với bệnh nhân ngộ độc rượu

Đặt NKQ để đảm bảo đường thở thông thoáng và tránh sặc, thở máy nếu bệnh nhân thở yếu.

Naloxone (2mg, tiêm tĩnh mạch) cùng với 100mg vitamin B1 tiêm bắp. Naloxone làm mất tác dụng của opiat nếu có và thiamine điều trị bệnh lý não Wernick’s.

Nếu hạ đường máu thì cần tiêm tĩnh mạch glucose ưu trương (25 – 50gam)

Đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày và cho uống than hoạt nếu bệnh nhân đồng thời uống các chất độc khác và để theo dõi xuất huyết dạ dày.

Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Nếu có hạ thân nhiệt thỡ sưởi ấm, truyền dịch, thức ăn ấm.

Tiếp tục điều trị hỗ trợ và theo dõi đến khi tỉnh trở lại.

Bên cạnh đó, có các bài thuốc dân gian có thể áp dụng trong các trường hợp ngộ độc rượu mức độ nhẹ (say rượu), một trong số đó là dùng thực phẩm:

Lòng trắng trứng gà: Lòng trắng giàu protein khiến chất cồn bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt hấp thu vào máu, mặt khác còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.

Giấm: Giấm ăn 60g, đường đỏ 15g, gừng 3 lát, giã nát. Hòa lẫn cả 3 thứ với nhau rồi cho bệnh nhân uống.

Rau cải trắng: Lấy một vài búp rau cải trắng rửa sạch, thái sợi, rồi bóp với đường và giấm để ăn. Có thể dùng món này khi đang uống rượu để giảm bớt tác hại của chất cồn.

Củ cải trắng: Giã nát một ít củ cải trắng, sau đó vắt lấy nước cốt, thêm chút đường đỏ rồi cho người say uống làm nhiều lần.

Rau cần: Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt cho người say uống từ từ.

Nước cơm: Sau khi uống rượu, nếu uống một bát nước cơm sẽ không bị say nữa, vì cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó làm giảm lượng cồn hấp thu vào máu.

Củ sắn dây: 25-50g nấu nước uống, hoặc pha một cốc bột sắn dây với một chút nước chanh rồi cho người say uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại.

Mía đỏ: Cho người say uống một cốc nước mía đỏ có pha thêm một chút nước chanh hoặc nước quất, sau 10 phút sẽ thấy tỉnh táo trở lại.

Ngoài ra, ăn các loại quả chua như cam, quýt hoặc dâu tây... cũng giúp giải rượu rất tốt.

Và cách tốt nhất là không nên uống nhiều rượu bia!

About this entry

Đăng nhận xét

 

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health


About me | Author Contact | Powered By Blogspot | © Copyright  2008